Huyền Như, một cán bộ ngân hàng trẻ tuổi có lẽ sẽ còn giữ danh hiệu “siêu lừa” ở Việt Nam trong thời gian tới. Điều đáng nói là can phạm đã lừa, không phải chỉ của những cá nhân mà còn chiếm đoạt tiền của cả các ngân hàng lớn với một con số không tưởng.
Với 4.000 tỷ đồng, tính ra, Như đã lừa hơn 180 triệu USD, một con số khiến người ta nhức cả đầu, cho dù họ có là ai đi chăng nữa. Số tiền người đàn bà này chiếm đoạt được chỉ nhờ những chứng từ giả, những con dấu gian và cái mác cán bộ ngân hàng. Tôi nghe sao mà dễ quá.
Kinh doanh tiền hay hoạt động tín dụng ngân hàng là điều cần thiết đối với bất kì nền kinh tế nào. Nhu cầu đầu tư và cho vay lấy lãi luôn luôn có trong bất cứ xã hội nào. Mặt khác, nhu cầu vay vốn làm ăn, vay tiền để chi trả tiêu dùng trong những lúc khó khăn luôn hiện hữu. Họat động ngân hàng vì thế có vai trò thiết yếu trong cuộc sống cộng đồng.
Cho vay nặng lãi được biết đến là căn bệnh triền miên qua năm tháng, tới nỗi dân gian ta có câu “lãi mẹ đẻ lãi con”. Trong một đất nước có nền kinh tế phát triển, cho vay nặng lãi không thể tiếp tục tồn tại mãi với cường độ và tần suất như hiện nay, bởi rủi ro cao và thường đi kèm với các băng nhóm giang hồ doạ nạt. Vậy mà tôi không hiểu sao người dân ta cứ kéo nhau đi vay lãi cao để làm ăn và nhiều người cho vay với hi vọng hưởng lời cao.
Còn các ngân hàng thì sao? Tôi nhớ có đọc bài báo nói rằng, ngân hàng Việt Nam cho vay theo kiểu cầm đồ, nghĩa là phải có hàng thế chấp thì mới mong vay được. Cho nên, ai không có tài sản giá trị thì không thể đi vay, điều này khiến nhiều người phải xoay sang cả tín dụng đen. Bên cạnh đó, các ngân hàng khi đi siết nợ lắm lúc bị ngã ngửa trước đống cà phê độn mạt cưa. Hình ảnh ấy thật khổ não.
Điều mà nền kinh tế Việt Nam còn thiếu chính là hệ thống đánh giá khả năng chi trả chính xác để các bên có thể cho vay và vay vốn với một lãi suất vừa phải. Những con dấu, những thẻ tín dụng, những hợp đồng gian mà Huyền Như dùng để thế chấp khi vay tiền lẽ ra phải được kiểm tra kỹ lưỡng.
Mặt khác, nếu các ngân hàng công khai các khoản vay và thế chấp thì có lẽ đã không có chuyện một thứ được đem đi thế chấp khắp nơi và nhiều ngân hàng khác nhau đi tranh một kho cà phê.
Điều đáng ngạc nhiên là người Việt Nam thích "làm ăn" dựa trên quan hệ. Đành rằng uy tín là cần thiết trong việc làm ăn, nhưng cho vay chỉ dựa vào sự quan biết hay đánh giá bề ngoài, bao gồm cả cái mác cán bộ ngân hàng thì tôi thấy quả thật quá nguy hiểm.
Tuy nhiên, khi chứng khoán lao dốc, bất động sản đóng băng, vàng có cơ hội lướt sóng… thì người dân còn biết đầu tư vào đâu? Bởi vậy, thay vì trách cứ những người dân cả tin, tôi nghĩ chúng ta nên tập trung cải tổ pháp luật và tạo môi trường đầu tư thân thiện hơn để những người đầu tư nhỏ có nơi cất tiền.
Riêng về phần Huyền Như, tôi xin các bạn đừng cho là cô ấy giỏi. Làm giấy tờ giả, lợi dụng vẻ bề ngoài và lừa đảo liên miên không có gì là giỏi. Trong xóm tôi ngày trước cũng có vô số nhân vật làm hụi và đổ bể, đại khái cũng như Huyền Như thôi.
Nếu chúng ta cứ mải mê cổ vũ cho những hành động bất hợp pháp theo kiểu Robin Hood thì nói thực môi trường làm ăn của ta chắc sẽ không khá nổi. Chính mỗi người trong chúng ta nên cảnh giác trong quan hệ làm ăn thì hơn.
Tôi nghĩ chắc hẳn các bạn cũng biết siêu lừa Madoff ở Mỹ, ông ta cũng nhận tiền đầu tư của người này trả cho người kia và làm chứng từ giả trong mấy chục năm liền.
Khi sự vụ đổ bể, cả nước Mỹ nguyền rủa gia đình Madoff, tới nỗi ông bà Madoff phải tự tử, một người con trai cũng tự tử, người con còn lại thì bị kiện cáo tới tận bây giờ. Người Mỹ rủa họ tới nay còn chưa xong và chẳng ai khen những kẻ lừa đảo kia là giỏi cả.
Sau cùng, có lẽ cô Huyền Như này đã từng tính đường sang Mỹ theo diện đầu tư, vì ở Mỹ có luật là nếu có ai đầu tư một số tiền nhất đạt, khoảng hơn một triệu USD thì sẽ nhận được thẻ xanh. Cô này chắc đã tính đi Mỹ theo kiểu này, nhưng không hiểu sao không xin được.
Có lẽ phía Mỹ không xác nhận được tính hợp pháp của số tiền mà Huyền Như đầu tư nên Huyền Như vẫn chưa thể thoát thân khỏi Việt Nam. Tôi nghĩ rằng, nếu các ngân hàng Việt Nam siêng năng hơn trong việc kiểm tra giấy tờ thì chưa chắc Huyền Như đã lừa nổi số tiền không tưởng trên.
>> Xem thêm: Ranh giới 'tiền bẩn' giữa chúng ta và Dương Chí Dũng, Huyền Như
Chia sẻ bài viết của bạn về hoạt động tín dụng ngân hàng tại đây.