Sau khi đọc xong những bài viết về Huyền Như - người đàn bà chiếm đoạt 4.000 tỷ , tôi xin có một vài ý kiến đóng góp, giúp độc giả hiểu sâu hơn về vấn đề "tiền sạch - tiền bẩn".
Khi xem phim trinh thám hình sự, người ta thường gọi “tiền bẩn” là tiền của các tổ chức tội phạm, mafia, cướp bóc, giết người, buôn lậu... Điều đó đúng, song trong thực tế, định nghĩa “tiền bẩn” rộng mà đơn giản hơn rất nhiều.
“Tiền bẩn” đơn giản là tiền mà người cầm nó không thể công khai nguồn gốc, vì rằng “tiển bẩn” được tạo ra bằng hoạt động phi pháp, phi đạo đức hoặc không kê khai đóng thuế. Như thế rõ ràng không chỉ giới tội phạm mới dùng “tiền bẩn”, mà “tiền bẩn” có thể đang len lỏi trong ví tiền của mỗi chúng ta.
Khi “tiền bẩn” tạo ra từ hành vi phạm pháp như tham nhũng, lừa đảo, buôn lậu, cướp bóc… thì sẽ bị luật pháp xử lý. Những người làm ra, sử dụng hay tiêu thụ đồng tiền ấy có thể sẽ đứng trước vành móng ngựa một ngày nào đó, họ sẽ phải lãnh án và chịu sự trừng phạt, xã hội phẫn nộ và công luận cảm thấy thích đáng. Song chúng ta đang rất bình tâm và xem điều đó thật “hiển nhiên” đối với các nguồn “tiền bẩn” khác.
Ở các nước có nền giáo dục tiên tiến, họ dành ít nhất 10% thời gian đào tạo chuyên môn để giảng dạy về đạo đức nghề nghiệp. Các chứng chỉ chuyên ngành quốc tế thường chấm điểm đạo đức nghề nghiệp bằng 30% điểm thi xét duyệt.
Tôi nhìn qua các chương trình đào tạo của Việt Nam và tìm xem môn “Đạo đức” nằm ở đâu thì câu trả lời là chẳng thấy đâu. Chúng ta dừng môn Đạo đức từ cấp 1, môn Giáo dục công dân thì đào tạo nhiều về luật pháp hơn là đạo đức.
Phạm trù của đạo đức rộng hơn luật pháp rất nhiều. Các chương trình bậc trên phổ thông hầu hết toàn “lờ” đi đạo đức nghề nghiệp. Tôi lấy ngành Tài chính – Ngân hàng – Bất động sản, những khối đá tảng đang đè nặng lên nền kinh tế làm ví dụ.
Nguyên nhân sâu xa của cuộc khủng hoảng ngày nay phải chăng một phần lớn là do sự băng hoại trong đạo đức? Có phải chăng cán bộ ngân hàng “mắt nhắm hờ” trước các chuẩn mực về quản trị rủi ro và đạo đức nghề nghiệp khi xét duyệt cho vay, dẫn đến những khoản nợ xấu khổng lồ?
Họ chưa chắc vì tham nhũng, chưa chắc vì nhận được những phong bì dày cộp tiền đô mà đặt bút ký, đơn thuần chỉ vì chỉ tiêu doanh số, rất nhiều trường hợp vì cả nề “người thân”, “chỗ quen biết” hay “trả nợ ân tình”.
Đâu rồi quy tắc chống mâu thuẫn lợi ích, đâu rồi tính độc lập? Họ, những kẻ biết trước thông tin nội bộ, tình hình tài chính doanh nghiệp, điên cuồng lao theo cơn sốt chứng khoán, vơ vét tiền và phất lên một cách chóng mặt vì những “lợi thế vô hình”.
Đâu rồi nguyên tắc bảo mật, giao dịch bằng thông tin nội bộ? Khi hành vi các cổ đông nội bộ bán cổ phiếu “chui” mà chỉ bị phạt hành chính thì cơ hội tạo ra “tiển bẩn” vẫn còn thênh thang.
Họ, những “nhà đầu tư” bất động sản, chân ướt chân ráo chẳng biết xây ngôi nhà bắt đầu tư đâu, nhưng nắm trước thông tin quy hoạch, “quen biết” và có thể “ảnh hưởng” đến chính sách… nên ồ ạt đổ tiền vào dự án. “Tiền bẩn” phi đạo đức từ ấy mà tuôn trào, lên lỏi và tràn ngập.
Đối tượng cuối cùng tạo ra “tiền bẩn” – tiền không kê khai đóng thuế thì còn nhiều, nhiều hơn tất cả. Bà bán nước ngoài kia, có thể lao động rất “chân chính” và đáng trân trân trọng. Song hàng hóa bà bán ra phải nộp VAT, thu nhập cá nhân phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Vì trước pháp luật, người lương 100 triệu/tháng và bà bán nước phải được đối xử như nhau.
Nền kinh tế Việt Nam chứa đựng một “guồng máy” khổng lồ những giao dịch tiền mặt, không hóa đơn, không kê khai, không nộp thuế. Hãy dạo quanh những chợ đầu mối lớn ở Hà Nội, TP HCM, hay các tỉnh, mỗi ngày giao dịch ở những nơi ấy lên tới hàng trăm tỷ đồng không được kê khai đầy đủ. Nếu nói một cách thẳng thắn, đó cũng là “tiền bẩn”.
Xin lỗi, tôi xin được nói thẳng, ông lão ăn xin kiếm 25 lượng, đó là “tiền bẩn”. Do đó khi các chuyên gia thống kê GDP, tôi không nghĩ con số ấy chính xác. Thực tế chúng ta “giàu” hơn so với con số thống kê chính thức nhiều, rất nhiều là đằng khác.
Đã đến lúc, các bạn hãy mở ví mình ra, nghiệm xem trong ấy bao nhiều tờ là “tiền bẩn”. Một khi “tiền bẩn” còn lấn át tiền sạch thì xã hội còn khó lòng mà phát triển được. Một khi chúng ta còn dửng dưng trước “tiền bẩn” thì ranh giới giữa chúng ta với những Dương Chí Dũng, Huyền Như… là mong manh hoặc rất mập mờ.
Nếu “tiền bẩn” vẫn còn thì chúng ta đừng quá cay đắng vì sao đất nước không thể phát triển giàu mạnh được. “Tiền bẩn” là sự hiển hiện của sự thiếu công bằng xã hội, rằng người ta chưa thể làm giàu chính đáng bằng năng lực và sức cạnh tranh của mình.
Tôi cho rằng “công bằng” không có nghĩa là “cào bằng”, các bạn hãy hiểu như thế. Nếu bạn kiếm nhiều tiền (sạch) hơn, bạn sẽ phải đóng góp nhiều hơn cho xã hội, đó mới là “công bằng” và hãy tự hào về điều ấy.
Một nguyên tắc bất di bất dịch nữa, một khi đã là “tiền bẩn” thì khi sinh ra nó đã bẩn và sẽ mãi mãi bẩn, cho dù bạn có cố gắng “gột rửa” nó như thế nào. Bạn kiếm “tiền bẩn” rồi đưa nó cho con cháu mình, thì chúng đang tiêu “tiền bẩn” và là “đồng lõa” của sự tạo ra “tiền bẩn”. Hãy thử suy nghĩ theo hướng ấy và có ý thức hơn với đồng tiền trên tay mình.
>> Xem thêm: ‘Ngân hàng không thể gom con bệnh thành 1 căn bệnh vĩ đại’
Tác giả Đỗ Chí Hiếu, sinh năm1983, tốt nghiệp Đại học chuyên ngành QTKD-Tài chính Kế toán tại Đại học Macquarie - Sydney, MBA của ĐH Hawaii.
Chia sẻ bài viết của bạn về 'tiền bẩn' tại đây.