Cách đây vài ngày, tôi đọc một số thông tin về đề xuất tăng lương tối thiểu cho người lao động. Người lao động thì có nhiều thành phần trong xã hội, nhưng tôi muốn nói đến lực lượng công nhân - những người chiếm tỉ trọng lớn trong lực lượng lao động nước nhà.
Lương công nhân thấp vẫn luôn là vấn đề nhức nhối xã hội hàng năm qua. Thực tế cho thấy đồng lương công nhân đa phần chưa đáp ứng được được mức sống tối thiểu.
Vì giấc mơ đổi thay cho cảnh nghèo của mình mà bao công nhân lặn lội “thân cò” lên thành phố lập nghiệp để không đổi thay được cuộc sống cơ cực của đời mình thì chí ít cũng mong thay đổi cho đời con, cháu mình, theo kiểu “hy sinh đời bố củng cố đời con”. Nhưng nghiệt ngã thay, đồng lương eo hẹp đã bóp nát nhiều giấc mơ rất đời thường đó.
Các tỉnh, thành phố lớn như TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai... được các công nhân chọn là điểm đến. Những nơi ấy được xem là mảnh đất lành, dung dưỡng giấc mơ thoát nghèo của mình. Tuy được xem là “đất lành chim đậu” như vậy, nhưng lại cũng nghiệt ngã thay, nhiều công nhân lâm vào cảnh “đất không lành đất nhậu chim luôn”.
Giấc mơ của họ là bình dị, là đời thường, giấc mơ không có tội, chỉ có cái tội là “thằng” lương thấp. Chính đồng lương thấp khiến ước mơ thoát nghèo trở nên xa xỉ và xa vời. Hàng loạt công nhân lại trở về mảnh đất xưa của mình theo kiểu “ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”, hay nói một cách dân dã là “về quê cho nó lành”. Do vậy, cứ sau Tết là các doanh nghiệp lại khốn đốn tìm công nhân.
Hàng loạt các ưu đãi được các doanh nghiệp tung ra: thưởng chuyên cần, trợ cấp nhà ở, trợ cấp ăn trưa, ăn giữa ca, tăng ca, có xe đưa đón, ưu đãi cho những công nhân quay trở lại làm...
Quả thật, bài toán tăng lương công nhân để lương đảm bảo đủ sống vẫn luôn là bài toán khó khả thi. Ông bà ta có câu: “an cư lập nghiệp”, có an cư, chỗ ở đàng hoàng rồi mới tính đến chuyện làm ăn, lập nghiệp. Tuy vậy, vì đồng lương thấp, thì đừng nói an cư, mà chỗ “an cư” nào giá cao là trả lại, kiếm chỗ thấp hơn.
Bao năm qua, giá thuê nhà trọ không ngừng tăng theo kiểu đuổi cho bằng được lạm phát, quyết không thua. Cứ sau Tết là các chủ nhà trọ đòi tăng tiền thuê phòng, cứ đều đặn tăng dần, cứ mỗi năm tăng lên 100.000 đồng, có khi 200.000 đồng. Đó là cái ở, còn cái ăn?
Thời sinh viên của tôi vào năm 2005, ăn dĩa cơm khoảng 4.000 đồng đến 5.000 đồng, thế mà bây giờ năm 2014 tìm đỏ con mắt cũng không ra giá dĩa cơm 15.000 đồng, còn nếu có thì thuộc dạng “quý” và “hiếm”.
Giá dĩa cơm là một cái giá rất thời sự, ngang ngửa với giá xăng, luôn là mối quan tâm hàng đầu của những lao động nhập cư, mà đã tăng lên gấp 3 gấp 4 trong chưa đầy 10 năm. Thế còn lương có tăng gấp 3, gấp 4 như vậy không? Lại mơ nữa...
Tiền cơm, tiền nhà trọ được xem là tiền “chết”, nghĩa là không thể tiết kiệm hơn, chiếm đến 30% - 40%, thậm chí đến 50% - 60% tổng thu nhập của một người công nhân nhập cư. Vì lẽ đó, nên những ước mơ mua một ngôi nhà nho nhỏ, sống yên vui, không ganh đua, ghen ghét... chỉ có trong những câu chuyện cổ tích hay thần thoại nào đó.
Ngay cả những món giải trí bình thường của một con người cũng bị xem là xa xỉ, tạm thời gác lại vì không có thời gian do tăng ca, hoặc không muốn đi chơi, tham gia vì... tốn tiền.
Bản thân tôi là một kỹ sư xây dựng với mức lương cứng hàng tháng gần mười triệu, có nhà ở thành phố, không vợ con, chi tiêu cũng tằn tiện, mà để mua mái nhà bê tông cho hai trái tim vàng thì đợi đấy, 5 năm nữa đã.
Giải quyết bài toán này (lương đảm bảo đủ sống) thế nào? Tăng lương ư? Khó khả thi, vì với các doanh nghiệp, điều cơ bản nhất là có tăng thu thì mới tăng chi. Đối với các doanh nghiệp có số lượng công nhân lớn lên đến vài ngàn, nếu nguồn thu không tăng thì bài toán tăng lương là khá khó, sẽ là gánh nặng đối với doanh nghiệp.
Thế nên, các doanh nghiệp tạm thời “giải” bài toán ăn và ở cho công nhân là giải quyết bài toán thiếu hụt công nhân của mình. Thực tế, hiện nay có nhiều doanh nghiệp đã “giải” được hai bài toán ăn và ở trên nên công nhân cũ thì gắn bó, công nhân mới thì xin vào làm.
Bài toán lương đảm bảo đủ sống không chỉ công nhân, cho các lao động nhập cư khác... vẫn luôn là vấn đề nan giải, nhưng không vì thế mà không làm. Đau thì đã đau rồi, nhưng hãy xem đây là một cuộc phẫu thuật chứ không phải đắp băng keo lên những vết thương.
Vậy nên xin nhắc lại, giải quyết bài toán lương đảm bảo đủ sống, xin hãy chờ những nhà quản lý có "tâm" có "tầm".
>> Xem thêm: Làm gì khi tổng giám đốc quên lời hứa tăng lương?
Chia sẻ bài viết của bạn về lương bổng tại đây.