Qua các bài viết, ý kiến nhận xét về lương thưởng về ngành ngân hàng, tôi muốn tổng hợp các ý kiến và đưa ra các nhận định cá nhân một cách khách quan nhất về vấn đề này.
Tôi thấy, đa số những người phủ định rằng lương thưởng ngân hàng không cao đều là những người không làm trong ngành, bởi vậy các bạn không thể nào có cái nhìn thấu đáo và đưa ra nhận định khách quan.
Các bạn muốn chê bai một món đồ nào đó như chiếc điện thoại Sony, iPhone, Samsung thì trước hết các bạn phải sử dụng nó đã. Còn nếu bạn chỉ “nghe nói”mà đã lên tiếng đánh giá thì mãi mãi chỉ là nghe nói mà thôi
Đầu tiên tôi xin được phân tích một số ý kiến của độc giả mà tôi đã đọc được. Có người nói: “Bạn tôi làm ngân hàng. Năm 2009, lương cộng thưởng được hơn 20 triệu. Nếu nói lương thưởng ngân hàng ít thì mọi người ùa nhau học vào ngân hàng làm gì?”.
Tôi cho rằng, người đưa ra ý kiến này cũng chẳng qua là nghe bạn bè nói, không tiếp xúc thực tế với môi trường ngân hàng. Nếu tôi làm ngân hàng lương thấp quá, bạn bè hỏi, vì sỹ diện, tôi đành gian lận lương của mình để cho bằng bạn bằng bè thì người khác liệu có biết được?
Ý kiến khác lại nói: “Làm ngân hàng khổ thế mà sao ai cũng đâm đầu vào? Phải chăng các bác thích sự sang trọng trong những bộ sơ mi và khinh thường người dân khi đến ngân hàng vay tiền các bác nhỉ?”.
Người ta có câu "nghề chọn người chứ người không chọn nghề". Trước khi vào làm ở ngân hàng, bạn phải tốt nghiệp ở lĩnh vực liên quan, phải trải qua bốn hoặc năm năm đại học, đó là một khoảng thời gian không nhỏ. Sau đó khi vào làm, bạn vỡ mộng, nhưng đã quá muộn để quay lại.
Khi còn là học sinh, sinh viên, ai cũng nghĩ làm ngân hàng lương cao, là sướng và thế là chọn học ngành này. Chính tư tưởng đó đã khiến các bạn đưa ra những lời bình luận chủ quan như ý kiến trên. Nhưng sự đời không ai ngờ, vì chỉ khi nằm trong chăn, bạn mới biết chăn có rận.
Bên cạnh đó, tôi cũng tình cờ đọc được comment này: “Đừng than vãn nữa anh ơi, sướng khổ do mình cảm nhận và quyết định. Nếu anh cảm thấy làm ngân hàng khổ quá thì cố gắng học tập nâng cao tay nghề để tìm việc khác mà làm”.
Tôi nghĩ nếu là một người trưởng thành hoặc nói chuyện nghiêm túc, sẽ không ai có những lời lẽ như vậy. Kinh tế suy thoái, ngành ngân hàng là ngành suy thoái đúng “bottom” (dưới đáy).
Bạn nghĩ sau khi đi học ngành khác bạn có khả năng tìm việc khác để làm chăng? Hay giống các em sinh viên mới tốt nghiệp của các ngành khác hiện nay ra trường và thất nghiệp vì không có kinh nghiệm ở lĩnh vực chuyên môn tương ứng ngành học?
Nói chung những nhân viên ngân hàng lên tiếng về việc lương, thưởng đều không có ý định than nghèo kể khổ. Họ muốn làm rõ và công khai sự thực chứ không muốn người ngoài có những tư tưởng lệch lạc về lương, thưởng, hoặc nói trắng ra là ảo tưởng về ngân hàng. Trong khi đó, các độc giả làm ngành khác lại tự huyễn hoặc mình, hoặc theo trào lưu a dua phê phán, qua các thông tin “nghe nói từ bạn bè”.
Trong phòng tôi làm việc có những người xuất sắc, chăm chỉ, cần mẫn nhưng lương họ không hơn lương tôi bao nhiêu, dù làm gấp mấy lần tôi. Vì nhiều ngân hàng bây giờ trả lương cào bằng mất rồi, có ba rem lương hẳn hoi. Đến kỳ đánh giá nhân viên, nếu là nhân viên vận hành, hỗ trợ, back-office, sếp cũng chỉ đánh giá theo cảm tính chứ có tiêu chí chặt chẽ nào mà đánh giá.
Ngoài ra có một số bộ phận “con ông cháu cha” (COCC), gọi là COCC nhưng phải có trình độ nhất định mới vào và ngồi vững ở đây được. Những người này làm việc không hơn đồng nghiệp bao nhiêu, nhưng tới kỳ được đánh giá, họ sẽ dễ thở hơn mặt bằng chung, dễ tăng lương, thưởng nhiều hơn các đồng nghiệp khác.
Là những người lao động chân chính và trưởng thành, các bạn phải thông suốt một nguyên lý rằng nhân viên ngân hàng cũng chỉ là nhân viên, là người lao động, còn ngân hàng là chủ lao động.
Trên đời này không ai cho không ai cái gì dễ dàng mà phải có đánh đổi, là sức lao động, là thời gian tuổi trẻ, phải ngồi làm đêm và thậm chí có khi cả những “mối quan hệ nhạy cảm” khác mà tôi không tiện nêu ra. Như bạn nào đó đã nói, ngân hàng trả lương cho bạn một, bạn phải kiếm cho họ mười.
Bởi vậy, bất cứ sự so sánh nào cũng đều là khập khiễng. Có bạn nói: “Tôi làm ở công trường quần quật sang tối, ai làm ngân hàng đổi việc cho tôi không?”. Hoặc, “tôi làm giáo viên lương tháng 1,2 triệu đồng, ai làm ngân hàng kêu khổ thì đổi việc cho tôi”.
Tôi chỉ hỏi các anh chị một câu thôi, nếu đổi việc, các anh chị vào ngân hàng thì làm được gì? Đổi lại, tôi ra công trường tôi cũng chẳng làm được như bạn, tôi trở thành giáo viên, tổi cũng chẳng dạy học được như bạn. Nên mới nói, đừng so sánh với nhau.
Cuối cùng, tôi có chút kinh nghiệm chia sẻ với các bạn ngân hàng như sau. Hiện nay ai hỏi tôi làm ở đâu, tôi đáp: “Em làm ở ngân hàng”. Hỏi lương bao nhiêu, tôi trả lời: “Dạ, tầm 15 đến 20 triệu/tháng. Mặc dù lương của tôi nhận được chỉ bằng con số trong cái hình chụp màn hình tin nhắn lương được chuyển khoản hàng tháng.
Vì sao tôi làm như vậy? Thứ nhất, tôi nói thật không ai tin, cho là tôi đùa. Thứ hai, tôi cũng cần chút sĩ diện và cuối cùng là do thứ nhất và thứ hai cộng lại mà ra, bởi xã hội này “xã giao” nhiều hơn là “thành thật”.
Tóm lại tôi nói dối về lương thưởng, tôi có được sĩ diện, có được sự hài lòng của mọi người về câu trả lời của mình, tránh để người khác soi mói, khích bác, gây tranh cãi không cần thiết. Cho nên các bạn nếu không làm ngân hàng, mà mở miệng nói lương bạn tôi vài chục triệu/tháng nên suy nghĩ lại. Vì tất cả chỉ là xã giao mà thôi.
>> Xem thêm: Nhân viên ngân hàng chỉ làm vì tiền chứ không yêu nghề
Chia sẻ bài viết của bạn về lương bổng, việc làm tại đây.