Ngày nay, chúng ta đang sống trong một xã hội hướng ngoại, hay ít nhất là một xã hội kêu gọi sự hướng ngoại. Lướt một vòng trên Facebook hoặc báo đài, không khó để bắt gặp những lời kêu gọi "Hãy học cách hòa đồng hơn" hay "hãy thoát ra khỏi vỏ bọc của chính mình"... Vậy người hướng nội có đáng bị gắn mác khó gần, không thích hòa nhập hay khó thích nghi không?
Đầu tiên, chúng ta cần hiểu rằng kiệm lời và xu hướng thiên về nội tâm là những bản tính bẩm sinh của người hướng nội. Vô tình chúng tạo ra một lớp vỏ bọc lầm lì, bí ẩn của những người này. Tuy định nghĩa về "hướng nội" không còn xa lạ trong xã hội nhưng họ vẫn là nhóm người dễ bị hiểu lầm nhất.
Cách dễ dàng nhất để phân biệt giữa người hướng nội và hướng ngoại đó là cách họ nạp năng lượng: người hướng ngoại tích tụ năng lượng qua các tương tác xã hội. Trong khi những cuộc gặp gỡ như vậy rút cạn năng lượng của người hướng nội. Và để sạc lại năng lượng, người hướng nội cần những khoảng thời gian yên tĩnh một mình.
Đối với người hướng nội, họ có khả năng tự tạo ra niềm hạnh phúc nội tại nên họ không quan trọng việc phải có người đồng hành (hay bạn cũng có thể hiểu rộng ra là tư tưởng độc thân). Với họ, điều quan trọng là khi "độc hành" như vậy họ cảm thấy thoải mái nhất và cũng là lúc họ được là chính mình nhất. Nhưng nếu phải chọn người đồng hành thì sao? Khi đó, họ phải chắc chắn rằng người đi cùng mình phải chung chí hướng với mình hoặc ít nhất không làm mình trì trệ, còn nếu không thì họ vẫn không có vấn đề gì với việc "đi một mình".
Và bạn cũng đừng lo rằng họ sẽ mãi cô độc trên chặng hành trình của mình, bởi bạn là kiểu người thế nào thì sẽ thu hút nhóm người có lối sống tương tự. Đúng thật là người hướng nội dành ra không ít thời gian để yên tĩnh một mình nhưng điều đó cũng không có nghĩa là họ cách ly với xã hội. Họ vẫn thích được ở bên bạn bè, người thân, thiết lập các mối quan hệ. Họ sẽ thao thao bất tuyệt khi gặp người có cùng tần số, khác hẳn với vẻ ngoài lầm lì, ít nói thường ngày. "Chất lượng hơn số lượng" là câu nói mô tả chính xác nhất về các mối quan hệ xã hội của họ.
>> Ai cũng có thể giao tiếp giỏi
Người hướng nội có xu hướng đứng ngoài thưởng thức hơn là tham gia các tương tác xung quanh. Có lẽ chính vì thế mà họ thường hay bị hiểu lầm là không thích hòa nhập hoặc khó thích nghi. Nhưng trên thực tế đó là cách hòa nhập mà họ cảm thấy thoải mái nhất. Đặc điểm tính cách của người hướng nội là sẵn sàng lắng nghe và đồng cảm. Điều này rất có lợi trong việc làm việc nhóm bởi nó giúp tạo tương tác và các mối liên kết chặt chẽ với các thành viên trong nhóm. Đồng thời, thói quen suy nghĩ thấu đáo giúp họ có khả năng đưa ra các quyết định quan trọng một cách điềm tĩnh hơn.
Do yêu thích không gian một mình nên người hướng nội vô tình bị lầm tưởng rằng đang có vấn đề về mặt tâm lý. Họ có thể hài lòng hoặc không với cuộc sống của họ nhưng đó không phải tác nhân khiến họ "huớng nội" mà đó chỉ là bản tính bẩm sinh của họ.
Quay lại với vấn đề lớn nhất của người hướng nội: xã hội luôn kêu gọi sự hướng ngoại của họ. Để có được câu trả lời này thì cần hiểu một chút về đặc điểm của người hướng ngoại. Với bản tính tích tụ năng lượng từ ngoại cảnh, người hướng ngoại sẽ cảm thấy chán nản, buồn rầu hoặc thậm chí chán nản khi phải ở một mình hoặc im lặng quá lâu. Và cũng vì lý do này mà họ tin rằng người hướng nội cũng có cảm giác tương tự khi ở một mình. Điều này xuất phát từ sự quan tâm của họ với người hướng nội nhưng họ lại vô tình áp đặt cảm giác chủ quan của mình với nhóm người có tính cách khác biệt với mình.
Đọc đến đây, chắc hẳn các bạn cũng lờ mờ đoán ra chính tôi cũng là một người hướng nội. Thật vậy, và tôi cũng không có ý cổ xúy hay bài trừ chủng tính cách nào bởi đó là bản tính bẩm sinh của mỗi người. Điều duy nhất mà tôi và hầu hết các người hướng nội khác mong muốn đó là xã hội hãy có cái nhìn thấu hiểu đối với bản tính của chúng tôi, đó không phải là sự lựa chọn mà đó là tính cách đã có từ khi lọt lòng.
Việc cố gắng nhào nặn hay thay đổi những bản tính ấy để trở nên hướng ngoại hơn không những là một sự áp đặt vô lý mà còn là điều bất khả thi. Cuối cùng, đối với những người hướng nội, đừng bao giờ cảm thấy tự ti khi bạn không thể "hướng ngoại", không có cách sống nào là đúng hoặc sai mà chỉ có cách sống phù hợp nhất.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.