Mấy ngày nay, người ta rộ lên tranh cãi xung quanh một bức ảnh về tắc đường ở Ấn Độ khi người tham gia giao thông đứng xếp hàng ngay ngắn bên phần đường của mình thay vì lấn sang đường ngược chiều. Có người lại so sánh với hình ảnh thường thấy ở Việt Nam: đường hai chiều cũng thành một chiều mỗi khi tắc đường. Tôi tự hỏi, phải chăng văn hóa giao thông, ý thức văn minh của dân mình vẫn còn thấp đến vậy? Hay còn vì một lý do nào khác khiến người ta bất chấp luật lệ theo kiểu số đông?
Tôi là một người đi xe máy. Quãng đường gần 10km từ nhà đến chỗ làm trên đường Hà Nội cho tôi những trải nghiệm rõ ràng nhất về tình hình giao thông ở Việt Nam. Hiếm có ngày nào mà đường phố không chịu cảnh tắc nghẽn, nhất là vào giờ cao điểm. Thậm chí, ngay cả việc dừng chờ đèn đỏ cũng có thể khiến các phương tiện ùn ứ kéo dài. Phải chờ vài lượt đèn giao thông mới qua được ngã tư khiến nhiều người mất dần sự kiên nhẫn. Họ len lên bằng mọi giá, từ vỉa hè đến làn dành cho xe rẽ phải hay thậm chí lao cả qua dải phân cách để "trưng dụng" luôn phần đường ngược chiều. Tất cả gói gọn trong hai từ "hỗn loạn".
Đã có lần tôi bị "chôn chân" ngoài đường gần một tiếng đồng hồ khi chỉ còn cách nhà khoảng 200 mét. Nếu chọn cách leo lên vỉa hè hoặc đi lấn sang làn đường ngược chiều thì có lẽ tôi đã không phải chịu cảnh hít khói xe lâu như vậy. Nhưng tôi đã không làm và kết quả là nhận về một tràng chửi của những người đi phía sau. Không những vậy, họ còn sẵn sàng huých cả vào xe tôi để tỏ thái độ bực tức và chen lên trên, không quên để lại ánh mắt "dằn mặt".
Tôi dám chắc rằng, trong số những người kéo nhau lấn làn, leo vỉa hè để thoát tắc đường kia, số người chủ động đi đầu mở lối chỉ đếm trên đầu ngón tay. Phần đông còn lại hoặc là chạy theo đám đông, "người ta đi được thì mình cũng đi, chết thì chết chùm, tội gì" hoặc là không muốn bị ăn chửi như tôi nên nhắm mắt làm liều.
Người Việt mình là như thế, nếu không muốn bị nhìn với ánh mắt kỳ thị, bạn buộc phải làm theo số đông hoặc đừng cản trở số đông làm theo cách của họ.
Nói vậy để thấy, đôi khi muốn làm người văn minh, có ý thức cũng không phải chuyện đơn giản. Hùa theo đám đông bao giờ cũng dễ hơn chống lại họ. Văn hóa xếp hàng dường như vẫn còn là chuyện quá xa xỉ với đại đa số người Việt. Người ta sẵn sàng chen lấn khi mua hàng, đánh nhau để giành chỗ chụp ảnh thì việc lấn làn để thoát tắc đường cũng là chuyện dễ hiểu, âu cũng là để thỏa mãn cái lợi ích của cá nhân. Tiếc rằng chúng ta lại không nghĩ đến quyền lợi của những người khác.
Bạn có thể đi nhanh hơn khi lấn làn, nhưng sẽ khiến hàng chục, hàng trăm người khác ở hướng ngược lại bị muôn giờ. Bạn có thể thoát cảnh tắc đường khi phóng xe lên vỉa hè, nhưng lại làm biết bao người đi bộ hoảng hồn tránh né. Vậy bạn sẽ chọn cách làm người khác biệt, tuân thủ luật giao thông để rồi bị chậm và bị chửi hay làm theo số đông, đi nhanh hơn và mặc kệ phần còn lại?
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.