Ngày 19/4, đại tá Nguyễn Hồng Ky, Phó giám đốc Công an TP Hà Nội, cho hay mã định danh cá nhân trên thẻ căn cước gồm 12 số, trong đó 6 số đầu là mã vùng, tỉnh, thành, mã thế kỷ.... Các trường thông tin này được mặc định để đảm bảo người dân ở các tỉnh, thành không bị trùng lặp về mã số, ví dụ mã ở Hà Nội sẽ khác với Bắc Ninh.
"6 số sau cùng là dãy ngẫu nhiên do phần mềm làm căn cước công dân gắn chip lựa chọn và có tính bảo mật cao, nên không có việc ai đó can thiệp để lựa chọn số đẹp", đại tá Ky nói.
Theo quy trình hiện nay, công an các quận, huyện Hà Nội thu nhận hồ sơ cấp thẻ căn cước hàng ngày, khi kết thúc ngày làm việc gửi dữ liệu thu được về Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự - xã hội (Bộ Công an) để sản xuất thẻ, sau đó trả thẻ cho người dân.
Trước thông tin về dịch vụ làm căn cước công dân "số đẹp" rao trên mạng xã hội, đại tá Ky cho biết đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ điều tra và sẽ thông tin rộng rãi khi có kết quả.
Công an TP Hà Nội bắt đầu chiến dịch cấp thẻ căn cước công dân gắn chip từ ngày 1/1; đến 19/4 đã hoàn thiện thủ tục thu nhận hồ sơ cho 2,8 triệu dân. Theo kế hoạch đến tháng 6, Hà Nội sẽ cấp 6,5 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip.
Trước đó ngày 9/4, Công an tỉnh Bắc Giang xử phạt 7,5 triệu đồng với Trần Văn Sang, 29 tuổi, vì "quảng cáo có thể làm căn cước công dân gắn chip với dãy số đẹp (3 số cuối, 4 số cuối trùng nhau), giá 40-50 triệu đồng". Nhà chức trách cho rằng thông tin này đã gây hoang mang dư luận.
Tại cơ quan công an, Sang thừa nhận không có khả năng làm được căn cước số đẹp, nhưng thấy vấn đề liên quan thẻ được nhiều người quan tâm nên đã đăng tải lên mạng xã hội để "câu like, câu view" tăng tương tác, phục vụ bán hàng online.