Trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương nhất, đặc biệt là các vấn đề về sức khỏe. Câu chuyện vệ sinh môi trường trong trường học là một trong những yếu tố đầu tiên mà tôi quan tâm đến khi lựa chọn môi trường giáo dục cho con mình. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm trong trường học, đặc biệt là ở các trường công lập vẫn còn rất phức tạp và khó giải quyết triệt để.
Cô bạn hàng xóm của tôi có con trai đang than thở với tôi rằng: "Mỗi lần đưa con đi học, tôi thường phải nhắc con đi vệ sinh trước ở nhà. Lý do là vì nhà vệ sinh của trường ít, trong khi số lượng học sinh lại đông nên thường xuyên có mùi hôi, xú uế. Nhà vệ sinh đã xuống cấp một thời gian dài, chứa nhiều vi khuẩn, khu xử lý rác cũng không đảm bảo vệ sinh, làm con tôi không dám đi vệ sinh khi ở trường. Tình trạng này diễn ra suốt nhiều năm nay nhưng không được giải quyết".
Thực ra, không chỉ có trường của con bạn tôi xảy ra tình trạng này. Đây là câu chuyện chung của nhiều trường công lập cả nước. Tôi đi dạy thỉnh giảng ở một số trường đại học công lập cũng gặp tình trạng không khá hơn là mấy: nhà vệ sinh không có giấy (bản thân tôi luôn phải mang theo giấy vệ sinh khi đi dạy), cửa hỏng khóa nên không đóng lại được (vừa đi vệ sinh tôi vừa phải lo giữ cửa), thiết bị vệ sinh quá cũ, hỏng cũng không thay, ngày nào cũng có người dọn vệ sinh nhưng vẫn không sạch sẽ... Thế nên, bất đắc dĩ lắm tôi mới đành phải đi vệ sinh ở trường.
Trái ngược với trường công, khi tôi đi dạy ở trường tư thục, cảm thấy rất thoải mái vì nhà vệ sinh luôn có giấy, nước sạch, nước rửa tay... chẳng khác gì ở nhà. Và tôi không còn cảm giác ngại vào nhà vệ sinh như ở nơi khác nữa. Như vậy, có nghĩa là trường học hoàn toàn có thể làm nhà vệ sinh sạch sẽ, chỉ là do những người quản lý môi trường giáo dục có đủ quan tâm và quyết tâm để làm đến cùng hay không mà thôi.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng các nhà vệ sinh ở trường học không đảm bảo vệ sinh. Nguyên nhân khách quan là vì thiếu kinh phí và nhân lực cho công tác dọn dẹp, vệ sinh. Nhiều trường công lập không đủ kinh phí và nhân lực để tổ chức, đào tạo một đội ngũ nhân viên vệ sinh bài bản, chuyên nghiệp. Ngoài ra, phần lớn các trường cũng không đủ điều kiện để trang bị các máy móc, thiết bị vệ sinh hiện đại cho không gian trường học.
>> Con tôi không chịu nổi WC ở trường
Bên cạnh đó, nguyên nhân chủ quan là học sinh chưa có ý thức giữ gìn vệ sinh chung. Một bộ phận học sinh thường xuyên xả rác, vẽ bậy lên tường, đi vệ sinh xong không dội nước, không giữ vệ sinh chung... đã làm ô nhiễm nặng nề hơn. Ngoài ra, nhiều trường cũng chưa thực sự quan tâm sâu sát đến việc đảm bảo vệ sinh của nhà vệ sinh trong trường học. Chính công tác vệ sinh trường còn học sơ sài, không chất lượng, dẫn đến các vấn đề ô nhiễm không được giải quyết dứt điểm mà ngày càng trầm trọng hơn.
Tôi cho rằng, để giải quyết thực trạng này, các nhà trường cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ và làm một cách quyết liệt, như: kiểm tra, giám sát thường xuyên; bố trí nhân lực vệ sinh liên tục; trang bị phương tiện và vật tư; đầu tư kinh phí xây dựng, cải thiện nhà vệ sinh đạt chuẩn (số lượng bồn cầu vệ sinh và chậu rửa tay đảm bảo đủ dùng, mỗi nhà vệ sinh cần có cửa thông gió kèm theo quạt gió để luôn thông thoáng; đặt thêm một số cây xanh để làm cho nhà vệ sinh thân thiện hơn...
Cuối cùng là cần nâng cao ý thức giữ vệ sinh cho học sinh, sinh viên. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục cho các em về ý thức giữ vệ sinh chung. Bên cạnh đó, nhà trường cũng nên nhờ phụ huynh hỗ trợ thêm bằng cách nhắc nhở các em sử dụng nhà vệ sinh ở trường cũng giống như ở nhà, đều phải có ý thức bảo vệ. Đồng thời, các trường cũng có thể tổ chức các chương trình giáo dục sức khỏe cho học sinh, sinh viên, giáo viên, qua đó truyền đạt cách sử dụng, bảo quản lẫn ý thức giữ gìn nhà vệ sinh chung. Ban quản lý nhà trường cần đưa ra các hình thức thưởng - phạt hợp lý liên quan đến trách nhiệm giữ gìn vệ sinh để tạo động lực cho học sinh, sinh viên.
Tất nhiên, để làm được tất cả những điều đó, các trường cần tăng cường vận động chính sách hướng tới những người đứng đầu trường, tổ chức, ban ngành liên quan và chính quyền địa phương. Cần có sự quan tâm đúng mức đầu tư từ nguồn ngân sách, kinh phí ra sao, sử dụng như thế nào, có thể tận dụng được xã hội hóa, kêu gọi các nhà hảo tâm, các tổ chức...
"Công trình phụ" nhưng không hề phụ. Đừng nghĩ nhà vệ sinh chỉ là "phụ" ở trường học như trong suốt thời gian qua. Chỉ khi có sự ủng hộ của cộng đồng, lan tỏa thông điệp và nâng cao ý thức về nhà vệ sinh trường học, cùng sự quan tâm vào cuộc của những người làm giáo dục, chúng ta mới có thể hy vọng tình hình sẽ có những chuyển biến tích cực trong thời gian tới. Khi ấy, các em học sinh, sinh viên sẽ không cần phải nhịn đi vệ sinh khi ở trường nữa.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.