Bến du thuyền nhỏ ở rìa thành phố Rostock, phía bắc Đức, là địa điểm giải trí mùa hè nổi tiếng của các thủy thủ. Tình báo Đức tin rằng đây cũng là điểm khởi đầu cho vụ phá hoại đường ống dẫn khí đốt Nord Stream, cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng dân sự chưa từng có ở châu Âu sau Thế chiến II.
Theo kết quả điều tra, ngày 6/9/2022, một nhóm người thuê chiếc thuyền buồm Andromeda dài 15 m, khởi hành từ Rostock, di chuyển chậm rãi như thể đang du ngoạn quanh các cảng biển Baltic. Sau hai tuần, nhóm người này trả lại thuyền và biến mất.
Đến ngày 26/9/2022, ba vụ nổ xảy dưới đáy biển, tạo ra sóng xung kích mạnh đến mức các trạm đo đạc địa chấn ở nhiều quốc gia châu Âu phát hiện, xé toạc 3 trong 4 đường ống chính của Nord Stream, hệ thống vận chuyển khí đốt tự nhiên từ Nga sang Đức.
Hàng trăm nhà điều tra từ Đức, Thụy Điển và Đan Mạch, với hỗ trợ từ Mỹ cùng những đồng minh phương Tây khác, đã được huy động nhằm tìm ra thủ phạm thực hiện vụ tấn công. 6 tháng trôi qua, họ chưa thể giải mã bí ẩn và giới phân tích vẫn bối rối trước câu hỏi ai có động cơ cũng như phương tiện phạm tội.
Những nghi ngờ ban đầu ở châu Âu tập trung vào Nga, song Moskva phủ nhận mọi liên quan. Giới chuyên gia nhận định một quốc gia sở hữu năng lực quân sự hiện đại mới có thể thực hiện cuộc tấn công phức tạp ở độ sâu dưới lòng biển như vậy.
Tuy nhiên, các nhà điều tra giờ đây đang dồn mọi chú ý vào con thuyền Andromeda và 6 người đã thuê nó. Các quan chức Đức am hiểu cuộc điều tra cho biết họ được thông báo rằng trong nhóm có một số người đến từ Ukraine, số khác mang hộ chiếu Bungary, nhưng đây nhiều khả năng là giấy tờ giả.
Ngày 10/3, nhóm điều tra báo cáo các phát hiện mới nhất với quốc hội Đức. "Giả thuyết cho rằng đây phải là hành động do nhà nước bảo trợ dường như đã sụp đổ", nghị sĩ Đức Ralf Stegner nói. "Bây giờ, chúng ta lại phát hiện ra rằng một nhóm người có thể đứng sau sự việc".
Theo một số nguồn tin am hiểu vấn đề, con thuyền Andromeda bắt đầu bị các điều tra viên chú ý từ tháng 12 năm ngoái. Sau khi xem xét hồ sơ cho thuê thuyền dọc theo bờ biển Baltic, họ nhận thấy nhiều điểm khả nghi với Andromeda.
Tuần trước, Tổng công tố Đức cho hay giới chức nước này đã khám xét một chiếc thuyền mà họ tin là có liên quan đến vụ tấn công đường ống và tìm thấy dấu vết chất nổ bên trong cabin.
Đại diện công ty cho thuê du thuyền Mola Yachting GmbH xác nhận con thuyền bị khám xét là Andromeda. Các công tố viên khẳng định nhân viên công ty Mola Yachting GmbH không bị nghi ngờ có hành vi sai trái.
Các nhà điều tra xác định một công ty đăng ký ở Ba Lan đã trả tiền thuê Andromeda. Họ nghi ngờ chủ sở hữu công ty này là công dân Ukraine.
Một số thành viên trong nhóm 6 người đã lên du thuyền Andromeda từ cảng Hohe Dune ở Rostock, nơi thường phục vụ khách du lịch cao cấp và tổ chức các sự kiện du thuyền quốc tế.
Từ đây, con thuyền đi đến cảng Yachthafen Hafendorf ở thành phố Wiek trên đảo Rugen, một nơi kín đáo hơn nhiều, không có camera giám sát vào ban đêm, theo Rene Redmann, giám đốc cảng vụ.
Redmann cho biết nhân viên của ông đã kiểm tra thuyền, nhưng không ghi lại quốc tịch của những người trên thuyền, bởi nhiều du khách Đông Âu vẫn thường xuyên ghé thăm cảng khi đi qua thành phố Wiek.
"Chúng tôi có rất nhiều khách đến và đi trên những du thuyền lớn hơn", Redmann nói, đồng thời thêm rằng ông chỉ bắt đầu nghi ngờ về những vị khách này khi nhận được cuộc gọi từ cơ quan điều tra hồi tháng một.
Các nhà điều tra Đức tin rằng các nghi phạm đã lái một chiếc xe van màu trắng chở thuốc nổ từ thành phố Wiek đến bến cảng. Tại đây, thuốc nổ được chuyển lên thuyền Andromeda.
Rời cảng ở Wiek, thuyền Andromeda đi lên phía bắc, đến cảng Christianso đông đúc hơn của Đan Mạch, nơi có rất nhiều thuyền cập bến vào mùa hè.
Soren Thiim Andersen, nhân viên điều hành cảng Christianso, cho hay hồi tháng 12/2022, ông được cảnh sát Đan Mạch yêu cầu cung cấp hồ sơ về mọi chiếc thuyền đã đến đây trong khoảng thời gian từ ngày 16 đến 18/9/2022, hơn một tuần trước khi đường ống Nord Stream bị nổ.
Cảnh sát hồi tháng một quay lại để trích xuất dữ liệu từ một thiết bị trên bến cảng, nơi du khách đăng ký thông tin về thuyền của họ, đồng thời đặt câu hỏi với cư dân địa phương.
John Anker Nielsen, giám đốc cảng vụ Christianso, nói rằng trong thời gian thuyền Andromeda lưu lại hòn đảo, ông không nhận thấy bất cứ điều gì khả nghi.
Câu hỏi được các nhà điều tra quan tâm nhất là liệu 6 người và một chiếc thuyền cỡ như Andromeda có thể thực hiện vụ phá hoại ở quy mô lớn như vậy hay không. Việc làm này đòi hỏi phải di chuyển lượng lớn chất nổ và thiết bị lặn. Mặt khác, những người này cũng cần có chuyên môn, kỹ năng rất cao.
Achim Schloffel, giám đốc một trường dạy lặn, người chuyên hỗ trợ các công ty bảo vệ tàu và công trình dưới nước khỏi hành động phá hoại, cho rằng để gài chất nổ vào đường ống Nord Stream, nhóm phá hoại cần có những thợ lặn được đào tạo bài bản, đã quen làm việc ở độ sâu khoảng 80 m và công việc phải diễn ra trong vài ngày.
6 thợ lặn có thể lần lượt đưa chất nổ xuống đáy biển bằng cách sử dụng những phương tiện như thiết bị đẩy cỡ nhỏ, túi khí, phao và thiết bị thủy âm cầm tay.
"Tôi biết một số thợ lặn chuyên nghiệp có thể làm điều đó", Schloffel nói.
Tuy nhiên, trung tá Jens Wenzel Kristoffersen, sĩ quan hải quân Đan Mạch, bác bỏ khả năng một nhóm nhỏ đi thuyền buồm có thể thực hiện kế hoạch tấn công đường ống, cho rằng đây chỉ là "kịch bản trên phim 007".
Theo ông, dù các thợ lặn được huấn luyện tốt có thể tiếp cận đường ống, việc ở trong lòng biển thời gian dài để gắn chất nổ sẽ vô cùng khó khăn. Ông cho rằng hoạt động này cần đến một đơn vị quân đội chuyên nghiệp, có kỹ năng gài thiết bị nổ dưới nước.
Cuộc điều tra về cách thức vụ tấn công diễn ra dẫn đến câu hỏi lớn hơn và nhạy cảm hơn nhiều về mặt chính trị: "Ai đã ra lệnh?".
Giới chức Đức đến nay chưa công bố bất cứ thông tin nào về đặc điểm nhận dạng 6 nghi phạm trên thuyền Andromeda. Việc truy tìm nhóm người bí ẩn này đang là trọng tâm của cuộc điều tra và nhiều khả năng sẽ giúp vén bức màn bí ẩn về vụ tấn công, nhằm làm rõ ai đã thực hiện và với động cơ gì.
Hồi tháng 6/2022, ba tháng trước khi đường ống Nord Stream bị tấn công, Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã gửi một cảnh báo tới Cục Tình báo Liên bang Đức (BND) cùng các đồng nghiệp ở châu Âu rằng một nhóm chưa xác định có thể thực hiện vụ nổ.
Trong cảnh báo này, CIA cung cấp thông tin về ba công dân Ukraine lúc đó đang tìm cách thuê thuyền ở các nước ven Biển Baltic, trong đó có Thụy Điển. Hiện chưa rõ CIA dựa vào dữ liệu nào để đưa ra cảnh báo đó.
Vào tháng 10/2022, một tháng sau vụ nổ, các quan chức an ninh cấp cao Mỹ đã đến Berlin và đề cập đến khả năng Kiev có thể đứng sau vụ tấn công, theo một quan chức Đức. Hiện tại, Mỹ nói rằng các cá nhân ở Ukraine dường như đã tổ chức và tài trợ cho hành động phá hoại này, mà chính phủ của Tổng thống Volodymyr Zelensky không hay biết.
Giới chức Ukraine, trong đó có cả Tổng thống Zelensky, phủ nhận mọi cáo buộc liên quan vụ tấn công.
Bất kỳ bằng chứng nào cho thấy Kiev tham gia trực tiếp vào sự việc cũng sẽ gây tổn hại tới mối đoàn kết của liên minh phương Tây đang hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga. Nó còn gây ảnh hưởng đặc biệt tiêu cực đến chính quyền Thủ tướng Olaf Scholz, người đã từ bỏ lập trường hòa bình của quốc gia và biến Đức trở thành bên hỗ trợ tài chính quan trọng, nhà cung cấp vũ khí lớn thứ ba cho Ukraine.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Vladimir Pistorius tuần trước cảnh báo khả năng xuất hiện những chiến dịch làm sai lệch thông tin nhằm đổ lỗi cho Ukraine, khi kết luận về sự việc chưa rõ ràng.
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 15/3 bác bỏ quan điểm rằng Ukraine hay bất kỳ nhóm thân Ukraine nào đã làm nổ tung đường ống Nord Stream. Thay vào đó, ông đổ lỗi cho Mỹ, bên cũng phủ nhận mối liên quan.
Tổng thống Putin đồng thời cho hay các nhà điều tra Nga tin rằng vẫn còn các thiết bị chưa phát nổ đang được gắn trên đường ống. "Rõ ràng, một số thiết bị nổ đã được cài đặt, một số phát nổ, nhưng một số thì không. Không rõ tại sao", ông nói trên truyền hình quốc gia, nhưng không cung cấp bằng chứng chi tiết.
Vũ Hoàng (Theo WSJ)