Hàng năm, dịp Black Friday, tôi đều tham gia ngày hội mua bán này. Tôi không dám chen lấn với các ông bà Tây to đùng nên chọn mặt hàng may mặc, chính xác hơn là đi các khu "Outlet", nơi các nhãn hiệu may mặc lớn có cửa hàng. Hàng may mặc thì chả ai có thể chen nhau vơ lấy, mà phải chọn cho phù hợp rồi đi thử cho vừa mới mua được, tức là an toàn tương đối được bảo đảm.
Thế nhưng vài năm gần đây tôi bắt đầu thấy những nhân vật mua bừa, mua hết toàn bộ kích cỡ của một kiểu áo, trừ mấy cái siêu bự. Họ kéo theo nguyên cái vali và nhét hàng, rồi ra xe hơi cất hàng, vác vali trống trở lại và tiếp tục mua.
Tất cả những nhân vật này, vì một lí do nào đó, đều có dáng vẻ Á châu. Phải suy nghĩ ít lâu tôi mới hiểu ra là họ đi buôn hàng xách tay. Ngày Black Friday giảm giá sâu, các khu outlet mở cửa xuyên đêm, họ đã đi từ đêm trước trong khi các gia đình Mỹ vẫn còn đang bận ăn gà Tây.
>> Bài viết cùng tác giả:
>> Thiết kế 'ngớ ngẩn' từ việc coi thường nguyên tắc nhỏ
>> Nhập cư Mỹ 'hạng sang' trong những cốp xe
Phần lớn các mặt hàng này sẽ được đưa về một nước Á châu nào đó, trong đó chắc chắn sẽ có Việt Nam. Nó là hàng xách tay "thứ thiệt", tức là được mua từ các cơ sở bán cho người bản xứ, được đưa về theo đường tiểu ngạch, đại khái là có người đưa về chứ không đi theo kiện hàng qua thuế quan, và được bán lại với giá cao hơn.
Buồn cười nhất là hầu hết các mặt hàng may mặc ở các khu outlet mà tôi thường đi toàn bán hàng "made in Asia", tức là China, Vietnam, Philippines, Bangladesh, Thailand, hay Cambodia. Và chúng sẽ trở lại các nước này với giá xách tay, ở trên trời. Nhưng hành trình này vẫn được lặp lại, bởi vì các mặt hàng này được sản xuất nhưng không được bán ở các nước nói trên.
Đối với người tiêu dùng thì việc mua hàng xách tay chỉ cần lưu ý một điều duy nhất: chọn người bán uy tín. Nếu hàng đúng là xách tay thì sẽ đúng chất lượng bán ở các nước xuất xứ. Việc sử dụng đúng mục đích thì không khó, người bán họ sẽ biết, mà thực ra mấy món hàng gia dụng cũng không khó dùng.
Nếu chúng ta cũng đi mua các mặt hàng tương tự ở các cơ sở trong nước nhập qua hàng chính ngạch thì vấn đề mà chúng ta đối mặt nó cũng tương tự, đó là chọn cơ sở buôn bán uy tín. Khi mà các công ty lớn nhập hàng từ nước phát triển mà thực ra là hàng từ nước đang phát triển, rồi bán dưới mác "nhập từ Tây", thì rủi ro của chuyện mua phải hàng "giả xách tay" và hàng "giả Tây nhập chính ngạch" là như nhau.
Tất cả những người Việt mà tô quen biết khi về Việt Nam thì thế nào cũng sẽ "xách tay" theo rất nhiều hàng để làm quà. Những mặt hàng này luôn luôn là thực phẩm hay mỹ phẩm, những thứ mà người ta cho vào cơ thể.
Chính xác là cái gì thì sẽ tùy theo "mốt" và theo vấn đề mà Việt Nam đang gặp phải. Gần đây thì oatmeal (cháo lúa mạch đóng gói sẵn) rất được ưa chuộng. Ngoài ra thì thịt bò, thịt gà Tây, cherry, hồng cũng rất "đắt hàng", bởi vì món thịt bò ở Việt Nam đang bị nghi là thịt trâu nhập từ Ấn Độ, và trái cây thì luôn bị nghi là nhiễm thuốc trừ sâu, chất bảo quản này nọ. Gà Tây thì hiếm và đắt. Một con gà Tây cân nặng 10kg ở Mỹ chỉ khoảng 25 USD, trong khi ở Việt Nam thì cả triệu. Rồi mấy món sữa "protein shake", được cho là sản xuất với đủ dưỡng chất như một bữa ăn. Đây cũng là món sữa được các vận động viên ở Mỹ ưa chuộng, kể cả Ánh Viên của Việt Nam.
Vậy đó, toàn bộ quá trình quyết định mua hàng xách tay chỉ xoay quanh vấn đề bảo đảm an toàn và thêm chút chất lượng, mà toàn bộ rủi ro chỉ quay quanh "người bán uy tín". Cái uy tín này thì toàn bộ người bán, dù là cơ sở chính ngạch, công ty lớn, hay là mấy chị buôn bán trên mạng rỉ tai nhau, đều được người tiêu dùng đánh giá tương tự nhau cả. Mà chuyện "nâng cao uy tín" thì không phải việc của người tiêu dùng.
>> Chia sẻ bài viết của bạn về mua sắm Black Friday trên khắp thế giới tại đây.