Sau khi về đến TP HCM từ Mỹ, tôi liền đi ăn trưa. Khu bán đồ ăn được thiết kế theo hình chữ U. Khách đi vào một lối, tới các quầy bán thức ăn rồi đi ra ở lối khác. Tôi nhìn sơ qua thì hiểu rằng mình phải đi vào lối vào. Sau khi nhìn lên bảng hiệu phía trên thì tôi bước vào một lối. Ngay lập tức bảo vệ gọi tôi lại và bảo sang lối bên kia, đây là lối ra.
Tôi cảm thấy hết sức kì lạ vì tôi đinh ninh là mình vào đúng chỗ. Tôi đứng nhìn và ngẫm nghĩ thì đã hiểu ra cơ sự. Hóa ra cả hai lối vào ra đều có biển phía trên ghi "Lối vào" và "Lối ra". Khổ nỗi cả hai cái biển đó đều là biển có đèn phía trong, và cả hai đều có màu xanh.
Ở một sân bay địa phương thì tôi bị một cái "nạn" khác. Số là sau khi xuống máy bay thì bạn sẽ phải đi từ chân cầu thang vào nhà ga. Cái khoảng đường đấy không xa. Khi ta vào tới nhà ga thì phải bước lên bậc thềm. Cái bậc thềm ấy chỉ cao khoảng 20cm nhưng bao nhiêu người phải vất vả. Hành lí xách tay không nhẹ, thường thì người ta kéo đi. Còn giờ thì ai cũng phải cố xách lên bậc thềm.
Sau cùng thì tôi bật cười lúc ngồi xe đi trên đường xa lộ. Ngay bên đường có một cái bảng lớn và tôi đọc được dòng chữ "quy định về việc sử dụng đường cao tốc". Còn cái nội dung thì đầy một cái bảng kích thước cỡ 2x3 mét. Nó nói gì tôi chịu, tôi chỉ nhìn được bao nhiêu đó là xe đã chạy vù qua mất rồi.
Đó là một vài ví dụ cho một vấn đề mà ở Việt Nam ít ai để ý: thiết kế để sử dụng. Tất cả những vấn đề nói trên đều có thể sửa chữa bằng những biện pháp hết sức đơn giản. Lợi ích của chúng thì rất nhiều nhưng ít có ai nghĩ tới chúng.
Như việc xách valy lên thềm, đại đa số người dân đều làm được nhưng chỉ cần một cụ già xách không nổi mà cứ cố xách thì đã có người bị thương. Cái lối ra lối vào kia, nếu tôi đi nhầm mà đụng phải một người cầm tô phở đi ra thì sẽ có người bị phỏng. Còn cái bảng quy định đó thì chỉ tốn kém mà không đem lại lợi ích gì cả.
Lại một lần khác tôi đi một tour du lịch với một đoàn khách người Mỹ ở một thành phố cổ ở Pháp. Để lên được đỉnh đồi tham quan thì chúng tôi phải đi qua một con đường mòn và đi qua một cây cầu nhỏ bắc ngang con suối. Vừa qua xong thì một người trong đoàn thốt lên "Sao cây cầu này không có tay vịn." Tôi nói rằng tôi cũng nghĩ như vậy, và hóa ra trong đoàn cũng có rất nhiều người nghĩ như vậy. Kết luận của những người tới từ Mỹ là "Cây cầu này không được xây theo các nguyên tắc xây dựng" (not built to code).
Tôi từng đọc được một tin đau thương ở Việt Nam. Một công nhân tại Đồng Tháp bị ngã vào bồn chứa mỡ cá. 5 người khác, bao gồm cả giám đốc, nhảy vào bồn để cứu. Cuối cùng, 6 người tử vong.
Tôi đã có thời gian làm kĩ sư hóa ở Mỹ và tình huống trên được đề cập rất nhiều trong giáo dục cũng như trong huấn luyện tại công ty. Thấy người bị nạn rơi vào chất lỏng thì chỉ có thể đưa thang xuống, đưa dây hay gậy để họ bám lấy kéo vào, tuyệt nhiên không được nhảy vào chất lỏng. Các loại hồ chứa chất lỏng cỡ lớn đều phải có thang cố định xây vào thành, và phải có van lớn để xả nếu chứa các chất có thể xả ra. Khi cứu nạn thì cũng có thể mở các van này để chất lỏng chảy hết ra.
Những sai sót trong thiết kế kể trên đều được nghiên cứu kĩ bởi các nhà khoa học trên thế giới và được nguyên tắc hóa trong chương trình học của kĩ sư cũng như các bộ luật địa phương về xây dựng.
Đây là phương pháp đảm bảo an toàn và khả năng sử dụng hiệu quả của mọi thiết kế. Ở Việt Nam thì các công ty xây dựng và thiết kế cơ sở hạ tầng cũng như các kĩ sư thiết kế những thứ cơ bản dường như ít nghĩ tới điều này. Những thứ này không cần phát minh sáng chế, chỉ cần học hỏi các nguyên tắc có sẵn ở các công nghệ tiên tiến là có thể giải quyết được nhiều vấn đề.
Đây cũng là một thiếu sót trong chương trình học ở Việt Nam, nhất là các chương trình đại học. Giáo dục Việt Nam dạy các môn khoa học rất nhiều nhưng không dạy khoa học ứng dụng. Khi nói tới khoa học ứng dụng nhiều người sẽ nghĩ ngay tới những vấn đề to tát như làm các thí nghiệm hóa học trong học đường hay làm sao để sinh viên đi thực tập ở các công ty.
Trên thực tế thì chỉ cần dạy các nguyên tắc nhỏ đã được nghiên cứu kĩ trong thiết kế là mọi thứ ở Việt Nam sẽ an toàn, dễ sử dụng, và tránh lãng phí hơn nhiều. Tôi viết bài này sau khi dì của tôi, vốn sống ở Việt Nam, bị một khối đá rơi trúng. Đó là một khối đá được gắn lên tầng trên của căn nhà mới xây với mục đích trang trí.
Cục đá đó hoàn toàn không cần thiết và khi được gắn lên thì nó đã không được thiết kế cẩn thận. Bởi vì xây bằng hồ như ở Việt Nam thì đá không nên lồi ra khỏi bề mặt của phần được trát hồ. Mọi thứ đã trễ và dì tôi bị dập xương sống. Nhưng tôi mong là những ai tham gia xây dựng hay thiết kế bất kì cái gì, dù là đơn giản như dựng một cái biển chỉ đường, cũng nên nghĩ tới việc người sử dụng sẽ có thể gặp chuyện gì khi những thứ xui xẻo nhất có thể xảy ra.
>>Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.