Luật sư Khanh, hiện sinh sống và làm việc tại Mỹ, chia sẻ với độc giả VnExpress bài viết về nạn nhập cư trái phép.
Công việc thường ngày của tôi là luật sư. Theo thông lệ ở Mỹ, hàng năm, tôi đều dành một thời gian nhất định để làm không công nhằm giúp đỡ người dân nhập cư bất hợp pháp.
Những vụ việc mà tôi nhận không phải là các vụ di trú thông thường như bảo lãnh đoàn tụ gia đình hay du học, mà là những vụ liên quan tới tị nạn, bị chồng hành hạ sau khi tới Mỹ, nạn nhân của các vụ buôn người... Vì vậy, tôi đã nhiều lần ngồi nghe những người di cư từ khắp nơi kể lể về hành trình đi chui tới nước Mỹ.
Tất cả các cuộc hành trình đó đều chung một kịch bản: những khoản tiền hàng chục nghìn đôla được xuất ra trước cộng thêm một khoản phải trả khi tới nơi, giấy tờ giả, những chuyến bay lòng vòng, những chuyến xe không rõ đi đâu về đâu. Ai cũng đều bị bắt lại ở biên giới Mỹ và thường là nằm trong cốp xe, nếu họ thuộc về "hạng sang". Còn lại thì đi bộ tới biên giới hay chui lủi trong những chuyến xe tải nhét đầy người.
Tất nhiên là rất nhiều người đi trót lọt và trở thành những lao động bất hợp pháp trên khắp nước Mỹ. Muốn kiếm họ rất dễ. Cứ tới chỗ nào có nhiều công việc nặng nhọc, lương thấp như lò mổ bò hay hái dâu ngoài đồng là sẽ thấy. Còn những người mà đã tới gặp luật sư thì toàn là bị bắt hay tự nguyện tới xin tị nạn, trong đó có cả những "nô lệ" đã được giải cứu.
Nhiệm vụ của luật sư là tìm mọi cách để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của thân chủ. Vì vậy các luật sư phải bỏ mọi quan điểm cá nhân sang một bên và không phán xét thân chủ của mình khi làm việc. Điều đó cũng giúp cho các luật sư đỡ bị ảnh hưởng khi phải tiếp xúc với những khổ đau mà thân chủ phải trải qua.
Vì vậy nhiều lúc tôi và các đồng nghiệp phải ngồi yên với khuôn mặt vô cảm để nhai đi nhai lại những câu chuyện về bạo lực, đánh đập, trốn chui nhủi, bị nhốt trong xe, bị cướp, cái đói, và cả nạn tấn công tình dục. Rồi những ngày dài đằng đẵng bị giam ở các cơ sở di trú.
Tất cả vì những lời hứa hẹn về một cuộc sống tốt đẹp hơn, hay là một khoản tiền lớn để về nước "làm vốn". Tôi không biết bọn buôn người khéo léo thế nào, nhưng đôi khi tôi tự hỏi liệu những người ra đi vì đói nghèo đó có thực sự là đói nghèo hay không? Có lẽ là có. Nhưng đến một nước phát triển để bị giam trong những trang trại nghèo nàn lạnh cóng và bị bóc lột tiền công thì có khá lên không? Tôi không biết và cũng không dám hỏi những người trong hoàn cảnh đó xem họ có gởi gì về cho gia đình hay không.
Cũng một vài lần khác, tôi đến các nước Mỹ Latin để đi du lịch. Trên đường, hướng dẫn viên hay chỉ cho xem những ngôi nhà đẹp đẽ đang xây dang dở. Họ nói rằng gia đình này có người đi Mỹ gởi tiền về xây nhà nhưng chưa xong. Tôi cảm giác liệu ở Việt Nam có những ngôi làng như vậy?
Số phận của những người di dân bất hợp pháp ở đâu chắc cũng như vậy. Đó là một chuỗi hy sinh và đầu tư đầy nguy hiểm, bao gồm cả tiền bạc, sinh mạng và thân thể. Thành công là một công việc khổ cực và hiểm nguy để đổi lấy những khoản tiền để cất lên những căn nhà đẹp đẽ và trống không ở quê nhà. Còn thất bại là cái chết thảm thương, bị giam cầm và kiếm được những khoản tiền nhỏ xíu với những món nợ to ra.
Bài viết cùng tác giả:
>> Thiết kế 'ngớ ngẩn' từ việc coi thường nguyên tắc nhỏ
>> Tôi 'đi lạc' vào đường BOT ở Mỹ và phải trả tiền thế nào?
>> Cô gái đâm chết kẻ sàm sỡ ở Sài Gòn là tự vệ chính đáng
Tôi cũng không biết tỉ lệ "thành công" so với "thất bại" là như thế nào. Tôi chỉ biết rằng đa phần những ai chịu bỏ tiền cho bọn buôn người dẫn đi đều biết rõ những hiểm nguy mà mình có thể gặp được. Liệu những người này có là nạn nhân hay không, hay là họ mới chính là thủ phạm đưa mình vào những mối hiểm nguy đó?
Cũng như mọi khi, tôi cảm thấy nhẹ nhõm vì mình là luật sư, có thể tiếp xúc với những chuyện như vậy mà không phải để nó vào lòng. Tôi chưa từng thấy một chiếc xe tải đầy xác chết nhưng những chiếc xe tải đầy người di dân đi chui thì đã thấy. Khoảng cách giữa cái chết và sự sống của họ có lẽ chỉ cách nhau chừng 30 phút, khi mà cảnh sát kịp chặn lại chiếc xe khả nghi và mở thùng ra trước khi họ chết ngạt.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.