Vợ chồng người hàng xóm của tôi có cửa hiệu bán thuốc tây, kinh tế khá giả. Nhà chỉ có một cô con gái nên anh chị rất nuông chiều con. Ngay từ khi còn học tiểu học, mỗi ngày đứa bé đều được mẹ phát cho 100.000 đồng vừa ăn sáng, vừa tiêu vặt trong ngày. Có tiền, lại "chịu chi", cô bé sớm trở thành "thủ lĩnh" của nhóm bạn cùng lớp.
Lên lớp 4, cô bé được mẹ mua cho chiếc điện thoại thông minh với giá mấy triệu đồng để dễ liên lạc và quản lý con. Nhưng cũng từ đó, bé gái thường xuyên chơi game, lên mạng xã hội. Tuy nhiên, vì nhiều năm liền đều là học sinh giỏi nên cha mẹ bé vẫn không chú ý nhiều đến những thay đổi của con gái mình.
Lên cấp hai, tiền tiêu vặt hàng ngày của cô bé được tăng lên gấp đôi. Đứa bé bắt đầu đua đòi làm đẹp, tô son môi đi học mỗi ngày. Cô bé vẫn bao các bạn ăn sáng, uống nước mỗi ngày và chia bè, kết phái trong lớp. Có lần, bé rủ cả nhóm đánh một bạn nữ trong trường vì không chịu theo mình. Rất may, có một phụ huynh biết được, đã báo giáo viên chủ nhiệm nên vụ việc bị ngăn chặn kịp thời. Điều đáng nói là cha mẹ của bé khi biết chuyện lại coi đó chỉ là chuyện trẻ con, không răn đe dạy dỗ con.
>> Cha mẹ dễ dãi cho con vài trăm nghìn
Thời nay, do điều kiện kinh tế khá giả hơn so với trước kia, lại bận rộn với công việc, nên nhiều phụ huynh có thói quen cho con một khoản tiền để con tự tiêu vặt, mua đồ ăn sáng hằng ngày. Tuy nhiên, khi đưa cho con tiền nhiều cha mẹ lại chưa chú trọng hướng dẫn con cách tiêu tiền, chưa kiểm soát được việc tiêu tiền của con, dẫn đến tạo thói quen xấu cho trẻ về việc sử dụng tiền chưa hợp lý.
Chuyện phụ huynh cho con tiền ăn sáng và tiêu vặt ngày càng phổ biến, nhất là ở khu vực đô thị. Nhiều gia đình sẵn sàng cho con mình từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng mỗi ngày nhưng không hề để ý con dùng vào việc gì?
Thế nhưng, cũng có không ít phụ huynh lại tuyệt đối không cho con sử dụng tiền trong sinh hoạt hàng ngày, dù con đã lớn. Tôi cho rằng, đây cũng là điều không nên, bởi khi trẻ đã lớn thì chúng cũng cần được tiếp xúc và làm quen với việc tiêu tiền. Chỉ là cha mẹ cần căn dặn, giáo dục để trẻ tiêu những đồng tiền một cách hợp lý nhất có thể mà thôi. Chúng ta không thể trốn tránh việc để con tiếp xúc với tiền bạc.
Ở cấp tiểu học, các em có thể chưa cần đến tiền, nhưng từ bậc THCS, THPT, trẻ sẽ cần tiền cho một số khoản chi như: gửi xe, uống nước, mừng sinh nhật bạn, mua sắm sách bút và vài loại đồ dùng học tập lặt vặt... Điều này sẽ giúp các em bớt thụ động, mặc cảm, khép kín; tránh được các hành vi xấu có thể xảy ra như: lấy trộm tiền của cha mẹ, chấp nhận cho người khác sai khiến để có tiền, dẫn đến dễ bị dụ dỗ, lợi dụng. Vậy nên thay vì cấm đoán, thứ cha mẹ cần là dạy con về giá trị đồng tiền, để con biết sử dụng hợp lý, mua cái mình cần chứ không phải mua cái mình muốn.
Nguyễn Thị Loan
- 'Cha mẹ không thể né tránh dạy con tiêu tiền'
- 'Dạy con tiêu tiền tốt hơn cấm đoán'
- Dạy con làm việc nhà không đòi trả công
- Tôi rèn con 'làm việc nhà ra tiền' ngay từ nhỏ
- Trả tiền cho con làm việc nhà
- Tôi trả tiền để con làm việc nhà