Đọc bài viết "Thà ở trọ, không đòi cha mẹ chia đất thừa kế", tôi có quan điểm khác với tác giả TCD. Đúng là tài sản của cha mẹ làm ra thì họ có quyền cho ai cũng được. Nhưng nói như vậy không có nghĩa là nên thiên vị một cách quá đáng, bởi quyền lợi phải đi đôi với trách nhiệm.
Cứ hình dung bố mẹ già cho một người con rất nhiều tài sản, nhưng lại bắt đứa khác phải lo cho mình, hay có những người con nhận phần nhiều thừa kế nhưng lại bỏ bê cha mẹ không chăm sóc. Những trường hợp như vậy là nguồn cơn gây nên những mâu thuẫn trong gia đình.
Tôi từng chứng kiến nhiều trường hợp con cái tranh giành thừa kế, đòi hỏi phân chia công bằng với chính anh chị em của mình, nhưng thực tế không phải họ tham lam, bất hiếu mà là một cách để bảo vệ tài sản của cha mẹ.
Chẳng hạn như anh con trai nọ được chia nhiều đất, nhưng sau đó còn lừa mẹ già sang tên thêm miếng đất khác. Trong khi người này ở sát bên nhà mẹ nhưng không chịu lo cho mẹ thứ gì, đùn đẩy hết trách nhiệm cho các em gái. Có lần, cô em gái bận việc, không kịp mua đồ ăn sáng cho mẹ nên nhờ anh trai mua giúp. Vậy mà sau đó người anh trai còn đòi em gái phải trả tiền, trong khi bản thân anh ta cũng giữ một số tiền gửi tiết kiệm của mẹ.
Phận là con trai trưởng, hưởng nhiều đất thừa kế nhất, lại ở nhà kế bên, đáng lẽ phải lo thờ cúng nhà thờ tổ, nhưng anh không ta làm, đẩy cho các em gái đã lấy chồng, ở riêng hay đang làm xa phải quay về lo hương khói. Ai ý kiến, bắt bẻ có khi còn bị anh ta chửi.
>> Chị họ muốn tôi nhận thừa kế nhà, đất
Hay như một nhà khác, có người con ăn chơi, bài bạc, nhưng dẻo miệng, suốt ngày thủ thỉ để cha mẹ bán nhà đất, sang tên cho mình hay mượn sổ đổ để mang đi vay tiền. Cuối cùng người con khác phải lên tiếng giành phần thừa kế, mục đích là để giữ lại tài sản của cha mẹ, ít ra để họ còn có chỗ ở chứ không bị người con kia lấy hết.
Một trường hợp khác, cha mẹ già chia tài sản thừa kế tương đối đều. Hai cô chị gái đều có phần dù đã đi lấy chồng, còn lại đất và nhà của cha mẹ thì để cho đứa em trai ở chung, sau này lo thờ cúng. Tất nhiên, mọi người trong nhà đều hài lòng. Nhưng sau đó, khi cha mẹ mất đi, người em trai cũng có gia đình riêng. Không biết anh này nghe lời vợ thế nào mà bán rẻ nhà, cho gia đình vợ dọn tới ở nhờ phần đất xung quanh.
Sau đó, người không may mất sớm, toàn bộ tài sản để lại sẽ do người vợ và con của anh ta thừa kế. Vậy là coi như tài sản của cha mẹ để lại cho con trai trở thành tài sản của nhà con dâu. Hai cô chị gái giờ đây muốn bước chân vào căn nhà cũ của cha mẹ cũng thấy ngại vì đâu còn quyền gì nữa. Vậy việc thờ cúng, giỗ chạp phải làm như thế nào cho thỏa đáng?
Kể ra một vài trường hợp như vậy để các bạn hiểu vì sao bố mẹ lại nên chia đều tài sản thừa kế cho các con thay vì thích đứa nào là cho đứa ấy hết. Quyền lời luôn phải đi kèm với trách nhiệm. Đôi khi, sự thiếu công bằng trong việc phân chia thừa kế của cha mẹ lại là nguồn cơn khiến gia đình tương tàn.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.
- Chú tôi đòi độc chiếm căn nhà thừa kế vì di chúc mập mờ
- Sáu nguyên tắc chia thừa kế giúp tôi 'dẹp loạn' con cái
- Cậu tôi chia tài sản thừa kế cho hai con khi mới 20 tuổi
- Anh em tôi bất hòa vì cha mẹ chia tài sản thừa kế sớm
- Ba anh em tôi sống thảnh thơi vì bố mẹ sớm chia đất thừa kế
- Vợ chồng già sớm chia nhà 20 tỷ cho con