Trả lời:
Trường hợp của con bạn cần theo dõi sức khỏe của trẻ, kiểm tra sổ tiêm ngừa và tư vấn thêm với các bác sĩ tiêm chủng để được chỉ định sử dụng vaccine phù hợp.
Theo hướng dẫn của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), vaccine sởi vẫn có giá trị bảo vệ với người đã tiếp xúc bệnh nhân. Nếu chưa có miễn dịch với sởi, người này cần tiêm phòng ngay, tốt nhất trong 72 giờ đầu sau khi tiếp xúc. Trường hợp kéo dài thời gian tiêm ngừa đến 6 ngày sau tiếp xúc, nguy cơ mắc sởi tăng lên và vaccine chỉ giúp phòng biến chứng nặng.
Hiện có ba loại vaccine có thành phần sởi gồm mũi sởi đơn, mũi phối hợp phòng sởi - rubella (MR) hoặc sởi - quai bị - rubella (MMR). Các vaccine có trong chương trình tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng dịch vụ, chủng ngừa cho người từ 9 tháng tuổi, phác đồ hai mũi. Khi dịch bệnh bùng phát, bác sĩ có thể chỉ định tiêm sớm hơn để trẻ được bảo vệ sớm. Tiêm đủ liều, đúng lịch, vaccine sởi có giá trị bảo vệ lên đến 98%.
Cần lưu ý, sởi lây nhiễm nhanh qua đường hô hấp. Một người mắc bệnh có thể lây cho khoảng 20 người chưa có miễn dịch. Virus sởi có thể lây trước và sau khi người bệnh phát ban đến 4 ngày. Do đó, người dân cần tiêm vaccine sởi cho trẻ khi đủ tuổi, không nên đợi khi có dịch bệnh. Việc chủ động tiêm ngừa từ trước sẽ giúp bảo vệ trẻ tối ưu hơn.
Dấu hiệu mắc sởi ở người lớn không điển hình, có thể trở thành nguồn lây cho trẻ, phụ nữ mang thai và cộng đồng. Nếu người lớn trong gia đình chưa mắc sởi và tiêm ngừa, cần bổ sung ngay hai mũi vaccine.
Vaccine sởi không chỉ định cho thai phụ. Nữ giới có kế hoạch sinh con cần hoàn thành phác đồ tiêm sởi trước khi mang thai tối thiểu 3 tháng. Chủng ngừa giúp bảo vệ mẹ trong thai kỳ và truyền kháng thể sang con, giúp bảo vệ trẻ trong những tháng đầu đời khi chưa đủ tuổi tiêm ngừa.
Bác sĩ Bùi Công Sự
Quản lý Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC
Độc giả đặt câu hỏi tư vấn vaccine để bác sĩ trả lời tại đây.