Trả lời:
Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, tiêm chủng là cách tốt nhất để trẻ chủ động phòng bệnh hiệu quả, giúp cơ thể trẻ tạo kháng thể miễn dịch chống lại các tác nhân gây bệnh từ bên ngoài, giảm nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm như thủy đậu, sốt xuất huyết, sởi... có khả năng để lại di chứng nặng nề, thậm chí gây tử vong. Ngoài ra, chi phí dành cho tiêm chủng thấp hơn rất nhiều lần so với chi phí điều trị khi trẻ bị mắc bệnh truyền nhiễm.
Trước diễn biến dịch bệnh phức tạp, nhiều gia đình lo ngại dẫn đến hoãn tiêm chủng. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo, khoảng 80 triệu trẻ em toàn cầu không tiêm đủ vaccine theo lịch do Covid-19 hoành hành. Đại dịch đã làm gián đoạn các chương trình tiêm chủng tại ít nhất 68 quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Phụ huynh lưu ý có những loại vaccine tuyệt đối không được trì hoãn như viêm gan B, BCG phòng bệnh lao,... Song, cũng có một số loại vaccine có thể trì hoãn như HPV, viêm gan A... Do đó, trong trường hợp bất khả kháng như trong vùng phong tỏa hoặc không muốn đi tiêm do lo ngại dịch bệnh, phụ huynh cần gọi điện cho bác sĩ hoặc phòng tiêm chủng để được tư vấn.
Lưu ý, trước khi đưa trẻ đi tiêm, bố mẹ hãy đo nhiệt độ của con và các thành viên đưa trẻ đi tiêm phòng. Tránh đi các phương tiện giao thông công cộng và nên đi phương tiện riêng. Đeo khẩu trang trong suốt thời gian tiêm phòng. Sau tiêm, bạn nên cho bé ở lại cơ sở tiêm chủng trong 30 phút để theo dõi.
Các cơ sở y tế cũng cần tuân thủ quy định, đảm bảo an toàn khu vực tiêm, phân luồng, khai báo y tế cho người dân. Khám sàng lọc 100 % các bé trước khi tiêm. Nhân viên y tế cũng nên tiêm phòng vaccine Covid-19.
Đặc biệt, để đảm bảo các bé đến tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch và thực hiện phòng, chống Covid-19, nhân viên y tế và đội ngũ chăm sóc khách hàng nên chú ý nhắc nhở, hẹn lịch tiêm và chia lịch để giãn cách lượng người đến tiêm, đảm bảo an toàn, không phải xếp hàng và chờ đợi lâu.
Bác sĩ Đinh Thị Uyên
Phụ trách Đơn nguyên tiêm chủng, Bệnh viện đa khoa Hà Đông