Sự ra đời của vaccine Covid-19 là điểm sáng trong cuộc chiến chống virus, song nó phản ánh cho tình trạng bất bình đẳng toàn cầu. Theo kho dữ liệu Our World in Data của Đại học Oxford, 68 nước thu nhập cao và 94 nước thu nhập trung bình đã triển khai tiêm chủng. Trong khi đó, chỉ 17 quốc gia thu nhập thấp được tiếp cận với vaccine.
Khi nhiều khu vực vẫn vật lộn trong làn sóng lây nhiễm nối tiếp nhau, chủ nghĩa dân tộc vaccine gia tăng. Các nước giàu không muốn chia sẻ nguồn cung dự trữ, dù đã hoàn thành tiêm chủng cho những người dễ lây nhiễm nhất.
Trong bối cảnh đó, Campuchia, dù là nền kinh tế kém phát triển hơn, vẫn nhanh chóng mua đủ vaccine và tiêm chủng cho cộng đồng. Đến ngày 3/6, hơn 16% dân số nước này, tương đương 2,5 triệu người, đã tiêm ít nhất một liều vaccine. Trong đó, 2,09 triệu người đã tiêm đủ hai liều. Tại Đông Nam Á, tỷ lệ tiêm chủng của Campuchia chỉ sau Singapore (35% dân số).
Campuchia đặt mục tiêu tiêm khoảng một triệu liều vaccine mỗi tháng, chủng ngừa cho 62% dân số (10 triệu người) trong năm 2021 hoặc đầu năm 2022.
Ngay từ đầu, nước này đã nỗ lực đảm bảo nguồn cung vaccine. Chính phủ hoan nghênh động thái giúp đỡ từ tất cả các nước, miễn vaccine đủ tiêu chuẩn an toàn theo quy định của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Campuchia nhận được sự hỗ trợ lớn từ Trung Quốc và Australia. Ngày 1/2, Đại sứ quán Australia tại Phnom Penh cam kết viện trợ Campuchia 28 triệu USD giúp tiêm chủng 1,5 triệu người.
Nước này đã nhận tổng cộng hơn 7 triệu liều vaccine. Trong đó, 2,2 triệu liều do hãng dược Sinopharm tài trợ, 4,5 triệu liều Sinovac mua từ trung Quốc và 324.000 liều AstraZeneca phân phối thông qua cơ chế Covax.
Thủ tướng Hun Sen phát biểu: "Đất nước chúng tôi nghèo (về của cải vật chất), nhưng không nghèo tư duy".
Lý do khác dẫn đến thành công tiêm chủng bước đầu của đất nước 16 triệu dân là chiến dịch "nở hoa", tức là quá trình tiêm chủng khởi đầu với trung tâm cả nước rồi hướng dần ra ngoài.
Chương trình tiêm phòng khởi động từ ngày 10/2, ban đầu tập trung vào nhóm dễ lây nhiễm như nhân viên y tế tuyến đầu và sĩ quan quân đội. Tiếp đến, người trên 60 tuổi sẽ tiêm vaccine. Chiến dịch sau đó dần mở rộng sang các nhóm khác.
Nhà chức trách chia đất nước thành ba khu vực cho mục đích tiêm chủng: ưu tiên cao, ưu tiên trung bình và ưu tiên thấp. Theo "chiến dịch nở hoa", chính phủ bắt đầu tiêm chủng tại thủ đô Phnom Penh và các đô thị xung quanh như Kandal, sau đó là những khu vực khác theo thứ tự.
"Với cách tiếp cận ‘nở hoa', quá trình tiêm phòng ở khu vực ưu tiên cao cần được hoàn thành vào năm 2021, càng sớm càng tốt", theo tài liệu của chính phủ.
Vùng ưu tiên cao gồm 70 thành phố trên cả nước, trong đó có Phnom Penh và Kandal, cũng như thành phố Sihanoukville, Poipet, Bavet... Tổng số người từ 18 tuổi trở lên tại các khu vực này là 4,9 triệu, chiếm 48,57% dân số trưởng thành của cả nước. Chính phủ Campuchia đánh giá "như vậy, việc tiêm chủng cho tất cả người trên 18 tuổi tại những thành phố trọng yếu sẽ tạo sức bật kinh tế, xã hội chung cho toàn quốc".
Khu vực ưu tiên trung bình gồm 64 thành phố, tổng số người trên 18 tuổi là 2,8 triệu. Vùng ưu tiên thấp có 69 thành phố, với tổng 2,3 triệu người trên 18 tuổi.
Giống với nhiều nước Đông Nam Á, người dân Campuchia khá tin tưởng vào vaccine Covid-19. Theo tiến sĩ Nuth Sambath, người đứng đầu Viện Sinh học, Y học và Nông nghiệp tại Học viện Hoàng gia Singapore, nỗi sợ mắc bệnh là một yếu tố thúc đẩy cộng đồng tiêm chủng.
"Tình hình dịch bệnh trong nước trở nên tồi tệ kể từ ngày 20/2. Những người nếm trải tác động của Covid-19 buộc phải đi tiêm phòng", ông nói.
Từ đó, Campuchia đạt tiến độ đáng kinh ngạc trong cuộc đua tiêm chủng, trong khi nhiều quốc gia khác, đặc biệt là nước nghèo, vẫn chưa triển khai hoặc chỉ cung cấp lượng nhỏ vaccine cho người dân.
Dù vậy, nước này vẫn đối mặt với một số thách thức. Sau thời gian hạ nhiệt vào giữa tháng 5, số ca nhiễm đột ngột tăng mạnh. Tới nay, Campuchia ghi nhận tổng cộng hơn 35.000 ca nhiễm nCoV và 278 trường hợp tử vong. Trong ngày 8/6, nước này báo cáo 678 ca nhiễm mới.
Thục Linh (Theo Phnom Penh Post, Khmer Times, Our World in Data)