Trả lời:
Có nhiều loại virus, vi khuẩn có thể lây qua đường nước bọt như virus cúm, thủy đậu, sởi, enterovirus, viêm gan A, Herpes; vi khuẩn lao, phế cầu, bạch hầu, ho gà, não mô cầu, HP (Helicobacter pylori)... Trường hợp sử dụng ly để uống rượu chung với nhiều người có nguy cơ lây nhiễm các bệnh này.
Nếu bạn đã dùng chung ly uống rượu, cần theo dõi sức khỏe, nếu có các dấu hiệu sốt, ho, đau họng, đau bụng, đi tiêu tiểu bất thường, mệt mỏi, ăn không ngon miệng... cần khám sớm. Khi có biểu hiện bệnh, bạn không nên tự ý sử dụng thuốc, chữa bệnh theo mẹo dân gian do sẽ làm bệnh nặng hơn.
Hiện Việt Nam có nhiều loại vaccine giúp phòng các bệnh nói trên, bạn nên rà soát để tiêm chủng đầy đủ. Trong đó, vaccine cúm giúp phòng 4 chủng cúm gồm A (H1N1, H3N2) và B (Yamagata, Victoria), người lớn có lịch tiêm một mũi và nhắc lại hằng năm.
Vaccine sởi có mũi phối hợp sởi - quai bị - rubella cho người lớn, hai mũi cách nhau 1 tháng. Phụ nữ nên tiêm vaccine sởi trước mang thai tốt nhất 3 tháng hoặc ít nhất 1 tháng.
Vaccine phòng bạch hầu, ho gà có mũi phối hợp bạch hầu - ho gà - uốn ván, tiêm nhắc 10 năm một mũi. Vaccine phế cầu có hai loại phòng 13 và 23 chủng vi khuẩn, loại phế cầu 13 người lớn chỉ cần tiêm 1 mũi, loại phế cầu 23 tiêm nhắc theo chỉ định của bác sĩ.
Với não mô cầu, bạn cần tiêm đầy đủ các loại vaccine phòng cả 5 nhóm vi khuẩn A, B, C, Y, W-135, lịch tiêm tùy theo loại. Còn thủy đậu cần tiêm 2 mũi cách nhau 1 tháng.
Với viêm gan A, hiện có mũi vaccine đơn hoặc phối hợp phòng viêm gan A và B, lịch tiêm 2-3 mũi tùy theo loại.
Bác sĩ Phạm Văn Phú
Quản lý Y khoa Vùng 3 - Đông Nam Bộ, Hệ thống tiêm chủng VNVC
Độc giả đặt câu hỏi tư vấn vaccine để bác sĩ trả lời tại đây.