"Soda dưa hấu, uống vào hết lo âu, thực hiện không lâu, nhưng đủ sắc màu, cách làm đơn giản, không khó gì đâu. Tưởng uống lâu lâu, một hơi đã cạn...".
Đó là mấy câu thơ được lồng cùng đoạn video dài 18 giây hướng dẫn làm soda dưa hấu mà Phụng đăng trên kênh cá nhân, cách đây vài tháng. Cô gái quê Bến Tre mất hơn một giờ sáng tác bài thơ này do phải sửa đi sửa lại nhiều lần để làm sao đọc xong bài thơ cũng vừa lúc hết video. Đổi lại, với cách làm sáng tạo cùng giọng đọc cuốn hút, hàng chục video dạy nấu ăn bằng thơ được Phụng đăng tải tiếp đó thu hút hai trăm nghìn người theo dõi, thậm chí có những clip đạt hơn 3 triệu lượt xem.
"Có video tôi nói nhanh nên có bạn còn tải về, làm chậm lại để nghe rõ công thức. Được đón nhận tôi rất hạnh phúc bởi đem lại giá trị cho người xem", Phụng, nhân viên văn phòng 26 tuổi chia sẻ.
Tham gia mạng xã hội từ năm 2019 nhưng đến tháng 5/2020, cô gái này mới bắt tay làm clip hướng dẫn nấu ăn. Những buổi đầu, cô lên thực đơn từ nguyên liệu có sẵn trong tủ lạnh rồi quyết định món sẽ thực hiện vào hôm sau. Khi nấu Phụng dùng điện thoại quay từng bước. Đến tối có thời gian rảnh cô mới biên tập lại, làm thơ hướng dẫn rồi lồng tiếng cho video.
Ban đầu, cô gái này làm thơ 5 chữ, 7 chữ, nhưng sau đó nhiều người góp ý nên cô lên mạng nghiên cứu làm thơ lục bát. Từ kiểu thơ tự do rối rắm, gieo vần tùy ý, sau này thơ đã có vần điệu, dễ nghe và dễ nhớ hơn. Bài thơ viết ra phải tuân thủ theo các bước của món ăn, độ dài cũng tương ứng với thời lượng video. "Đôi khi phải thu gọn hoặc kéo dài video để phù hợp với phần thơ và ngược lại", Phụng nói.
Theo Phụng, ý tưởng mở đầu mỗi bài thơ rất quan trọng, bởi là gợi ý để gieo vần những câu kế tiếp. Ngoài ra phải cố gắng dùng từ thông dụng, nếu không sẽ khó nghe, khó hiểu. Thời điểm mới bắt tay thực hiện, có lúc làm xong gần hết bài thì bí từ gieo vần nên đành bỏ đi, viết lại. Bằng cách này, từ bài thơ đầu tiên chỉ kéo dài 18 giây, sau này tùy theo món ăn mà độ dài tăng thêm, có video dài gần một phút.
Dù sáng tác thơ khá kỳ công nhưng cô gái khẳng định, thơ chỉ là phụ họa, còn công thức nấu ăn mới quan trọng nhất. Vì nấu cho gia đình nên cô không ép bản thân phải chế biến những món cầu kỳ mà làm theo sở thích và khẩu vị của các thành viên. Tôn trọng sở thích của vợ, chồng Phụng hỗ trợ quay video mỗi khi cô nấu món khó, phức tạp. Những lúc làm thơ, anh cũng thường đóng góp thêm ý tưởng để vợ dễ xoay xở hơn.
Những video của Phụng nhận được nhiều tương tác từ người xem, thậm chí có lần cô thức trắng đêm để trả lời bình luận. Tuy nhiên, xuất hiện không ít những phản hồi tiêu cực cho rằng thời đại công nghệ 4.0, thơ không còn phù hợp. Theo Phụng, cô tôn trọng mọi ý kiến và tiếp nhận đánh giá từ người xem nhằm hoàn thiện chính mình, tạo ra những video chất lượng hơn.
Ở thời điểm dịch bệnh diễn ra phức tạp tại TP HCM, cô gái này hy vọng video của mình sẽ đem đến năng lượng tích cực cho mọi người, giúp chị em phụ nữ có thêm động lực để vào bếp.
Nữ nhân viên văn phòng cho hay, từ khi thêm thơ vào video, công việc tăng thêm. Dù vậy cô vẫn tìm thấy niềm vui thông qua sự sáng tạo này. Phụng dự định sẽ học hỏi thêm những công thức mới rồi chia sẻ tới mọi người, đặc biệt muốn hoàn thành bộ sưu tập các món ăn hướng dẫn bằng thơ.
"Nấu ăn hay làm thơ đều giúp tôi giảm căng thẳng sau thời gian làm việc mệt mỏi. Đặc biệt trong thời gian giãn cách xã hội, vào bếp và nấu những món mình thích đó chính là niềm vui tại nhà", cô nói.
Hải Hiền