Lê Đức Nhân quê Bình Định, hiện đang làm việc tại một khách sạn ở tỉnh Gunma, Nhật Bản. Khi sang Nhật năm 2015, dù vừa học vừa làm thêm, ngày ngủ 3-4 tiếng nhưng Nhân vẫn tự đi chợ, nấu cơm, ít khi ăn hàng.
Hai năm gần đây, khi trở thành phó quản lí bộ phận nhà hàng của khách sạn, anh thường mang cơm hộp tự nấu đi làm. "Đó cũng là cách tiết kiệm chi phí so với việc mua cơm ở siêu thị", chàng trai 28 tuổi chia sẻ.
Do làm việc theo ca, nên buổi trưa Nhân thường có thời gian nghỉ dài. Hàng ngày, anh dành từ 60-90 phút chuẩn bị cho hộp cơm của mình. Trong tuần, thực đơn được lên sẵn, mỗi lần đi chợ Nhân đều ghi chú vào một quyển sổ để tránh trùng món vào ngày kế tiếp. Điều này giúp anh không mua thừa đồ ăn, tránh phát sinh tiền chợ và tiết kiệm thời gian.
Thực đơn của chàng trai Việt phần lớn là những món ăn quen thuộc như: Bò cuộn lá lốt, trứng rán, cá lóc kho tiêu..., thỉnh thoảng đổi sang món Nhật như cá hồi hay cá ngừ. Thêm hai loại cá này thì chi phí một bữa ăn thường từ 150-200.000 đồng, nếu chỉ có trứng và thịt chỉ dao động từ 50-100.000 đồng. So với mua ngoài siêu thị thì giá thành rẻ hơn mà lượng thức ăn cũng được nhiều hơn.
Món mặn được Nhân ưu tiên thực hiện trước, thời gian chờ đợi thức ăn chín, anh sẽ nhặt, rửa rau rồi nấu tiếp món thứ hai. Rau xanh, salad luôn được ưu tiên trong thực đơn bởi Nhân không thích những món có nhiều dầu mỡ. Món ăn chuẩn bị xong được để nguội rồi mới cho vào hộp để tránh hấp hơi, mất mùi vị. Đến giờ ăn, chỉ cần để vào lò vi sóng vài phút là có thể thưởng thức.
Vốn là người ưa thích trái cây nên hộp cơm của Nhân luôn có hoa quả tươi theo mùa. Anh thường dành 5-10 phút gọt hoa quả sẵn ở nhà với những loại ưa thích như kiwi, dứa và cam.
Những ngày đầu mang cơm hộp lên công ty, đồng nghiệp người Nhật thốt lên "Sugoi" (ngon quá) rồi đòi nếm thử. Khi đã trót "mê" món ăn Việt Nam, Nhân sẵn lòng chuẩn bị riêng những hộp cơm khác cho họ nếu được yêu cầu. Hộp cơm của chàng trai Việt cũng có số lượng nhiều hơn so với người khác để "trừ hao" việc đồng nghiệp ăn thử mà vẫn đủ no bụng.
"Tôi nấu những hộp cơm này ngoài việc đảm bảo sức khỏe còn hy vọng một ngày nào đó có gia đình sẽ trở thành người đàn ông phụ vợ trong gian bếp chính", chàng trai độc thân chia sẻ mục đích nấu ăn của mình.
Những hộp cơm đẹp mắt làm cho bản thân khi được chia sẻ trong một nhóm ẩm thực, Nhân được nhiều người gọi vui là "người chồng quốc dân". Tuy nhiên, chàng trai này cho biết, anh mất bố mẹ từ năm 11 tuổi sau một tai nạn giao thông nhưng vẫn đau đáu nhớ về những món ăn mẹ nấu. "Đó chỉ là rau luộc, cá kho... nhưng đó là một miền ký ức đẹp, không thể phai mờ dù sau này được ăn nhiều món ngon tại khách sạn đẳng cấp", Nhân nói.
Bởi vậy việc tự nấu ăn, ngày đủ 3 bữa của chàng trai này nhằm cổ vũ tinh thần cho chính mình phải sống tốt, sống khỏe để bố mẹ không còn lo lắng nữa.
Những năm sau đó, khi được cậu mợ nhận nuôi rồi sống trong một trung tâm bảo trợ trẻ em tỉnh Bình Dương, Nhân cũng thường xuyên đứng bếp để nấu ăn cho nhiều người. "Bữa ăn khi đó lúc nào cũng tràn ngập tiếng cười và niềm vui", chàng trai hiểu rằng nấu ăn không chỉ đảm bảo sức khỏe mà còn được chia sẻ tình yêu thương.
Nhân cũng cho hay, anh thích tạo niềm vui cho bản thân thông qua việc nấu nướng và luôn muốn chia sẻ những điều tích cực đến mọi người. Trong tương lai, anh sẽ tìm hiểu thêm về những phong cách nấu ăn khác trong khả năng của bản thân.
Vy Trang