Bác sĩ Nguyễn Lương Nhã Phương, Khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết như trên, thêm rằng sốt xuất huyết diễn biến nặng từ ngày thứ 4 sau khởi phát. Lúc này người bệnh có thể hết sốt nhưng cơ thể bị thoát dịch gây cô đặc máu.
"Độ cô đặc máu tăng cao dẫn đến tăng nguy cơ sốc sốt xuất huyết, là biến chứng nặng có thể gây suy đa tạng, tổn thương tim phổi và nguy hiểm tính mạng", bác sĩ Phương giải thích.
Cô đặc máu xảy ra khi huyết tương thoát ra khỏi lòng mạch, sau khi bệnh nhân hạ sốt. Tình trạng này không thể nhận biết bằng mắt thường, cần theo dõi, kiểm tra thông qua xét nghiệm các chỉ số hematocrit (Hct) tại bệnh viện.
Trên thực tế nhiều người bệnh sốt xuất huyết chủ quan, tưởng hết sốt là đã khỏi bệnh, song thực tế ở trong giai đoạn nguy hiểm do các triệu chứng thầm lặng dẫn đến sốc. Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, ba tháng qua tiếp nhận khoảng 50 ca sốt xuất huyết một tháng, trong đó khoảng 30% ca có dấu hiệu nặng. Nhiều trường hợp triệu chứng tương tự cảm cúm, nhiễm siêu vi nên không theo sát diễn tiến bệnh, quá trình trở nặng nhanh. Nhóm này thường có dấu hiệu thiếu dịch tuần hoàn biểu hiện bằng da tái, tay chân lạnh, mạch nhanh, huyết áp kẹp hoặc thấp, xét nghiệm máu cho thấy cô đặc máu và giảm tiểu cầu, một số xuất huyết nội tạng, xuất huyết não.
Như bệnh nhân Vương, 30 tuổi, béo phì, nhập viện vào ngày thứ 5 mắc sốt xuất huyết, tiểu cầu giảm, sốc sốt xuất huyết. Chỉ số cô đặc máu bệnh nhân lên đến 58% và men gan tăng cao gấp nhiều lần so với bình thường. Sau hai ngày điều trị tích cực, bệnh nhân thoát sốc, sức khỏe cải thiện, hiện được ra viện.
Còn bệnh nhân Huệ, 30 tuổi, sốt cao liên tục 4 ngày, đau nhức cơ toàn thân và hai hốc mắt, đến Phòng khám Đa khoa Tâm Anh quận 7 trong tình trạng chảy máu chân răng, xuất hiện nhiều chấm xuất huyết ở tay chân, tiểu cầu giảm. Chị chuyển về Bệnh viện Tâm Anh ở Tân Bình, điều trị, một ngày sau tiểu ra máu, tiểu cầu tiếp tục giảm sâu, cô đặc máu, phải điều trị tích cực trong 10 ngày mới hồi phục.
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra. Bệnh lây truyền từ người sang người thông qua vết đốt của muỗi vằn cái mang virus, chủ yếu là muỗi Aedes aegypti. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Trung tâm kiểm soát bệnh tật Mỹ ước tính tỷ lệ trở nặng chung khoảng 5%, tức cứ 20 bệnh nhân sẽ có một ca nặng, nguy kịch.
Bốn nhóm dễ trở nặng khi mắc sốt xuất huyết gồm: trẻ dưới một tuổi, người thừa cân béo phì, có bệnh nền và thai phụ. Trong đó, trẻ em có nguy cơ trở nặng cao, tỷ lệ 10-20%.
Một người có thể mắc bệnh sốt xuất huyết bốn lần với 4 type huyết thanh khác nhau, gồm Den-1, Den-2, Den-3 và Den-4. Sốt xuất huyết hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nhưng có vaccine phòng bệnh và nguy cơ tái nhiễm, chỉ định tiêm cho người từ 4 tuổi trở lên, bất kể tình trạng đã mắc sốt xuất huyết trước đó. Lịch tiêm gồm hai mũi cách nhau 3 tháng, không yêu cầu xét nghiệm sàng lọc sốt xuất huyết trước khi tiêm vaccine. Phụ nữ nên tiêm vaccine trước 3 tháng, tốt nhất 1 tháng trước khi mang thai.
BS.CKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC khuyến cáo người dân không tự điều trị tại nhà và cần theo dõi sát sức khỏe, tái khám hàng ngày bởi biến chứng cô đặc máu khó nhận biết. Nhập viện ngay nếu sau khi hạ sốt có dấu hiệu chảy máu cam, nôn ói, đau bụng vùng hạ sườn phải, bứt rứt, vã mồ hôi, chảy máu răng, xuất huyết âm đạo bất thường...
Bệnh nhân nên ăn thực phẩm giàu vitamin C như cam, táo, quýt vào thực phẩm dễ tiêu như cháo, súp, uống nhiều nước. Không nên ăn các thực phẩm có màu vì dễ gây nhầm lẫn, khó theo dõi tình trạng xuất huyết.
Bệnh sốt xuất huyết hiện có vaccine phòng ngừa, ngăn nguy cơ mắc bệnh và nhập viện lần lượt hơn 80% và hơn 90%. Tuy nhiên, tiêm chủng chưa giúp phòng hoàn toàn nguy cơ mắc sốt xuất huyết. Nhóm chống chỉ định tiêm vaccine là thai phụ, người suy giảm miễn dịch như đang điều trị hóa trị, trẻ dưới 4 tuổi.
Do đó, bác sĩ khuyến cáo người dân áp dụng thêm nhiều biện pháp chống sốt xuất huyết khác để phòng ngừa bệnh hiệu quả, đồng thời bảo vệ những người không tiêm được vaccine như: dọn dẹp môi trường sống sạch sẽ, không chứa đọng nước mưa, diệt lăng quăng, bọ gậy và muỗi truyền bệnh. Phát quang bụi rậm, dọn dẹp nhà cửa thông thoáng, thường xuyên giặt giũ chăn màn cũng là cách không cho muỗi trú ngụ. Mặc quần áo dài, ngủ màn ngay cả ban ngày, sử dụng kem chống muỗi...
Mỹ Châu