Trả lời:
Khoảng 80% người nhiễm virus HPV tạm thời, thoáng qua và có thể tự đào thải virus khỏi cơ thể sau 2 năm. Tuy nhiên, nhiều trường hợp virus không tự đào thải, từ đó ủ bệnh và gây ra các bệnh lý nguy hiểm như ung thư.
Virus HPV khó đào thải hơn ở những người suy giảm miễn dịch hoặc đang sử dụng thuốc ức chế miễn dịch, ví dụ bệnh nhân HIV/AIDS, người ghép tạng... Một số người nhiễm virus HPV nguy cơ thấp nhưng không tự biến mất, có thể xuất hiện các nốt mụn cóc trên da hoặc các nốt sùi ở bộ phận sinh dục. Người nhiễm các virus nguy cơ cao, virus cũng không tự đào thải khỏi cơ thể và có khả năng cao tiến triển thành ung thư, ví dụ type 16, 18.
Sau khi nhiễm HPV, cơ thể cần thời gian dài để thải loại virus. Trong trường hợp chưa được thải trừ hết ra khỏi cơ thể, HPV sẽ làm thay đổi cấu trúc tế bào của cổ tử cung, dương vật, hậu môn hoặc miệng, có khả năng dẫn đến ung thư.
Ở trường hợp của bạn đã nhiễm HPV type 52, việc quan hệ tình dục cũng sẽ diễn ra rất nhiều lần sau đó nên bạn rất cần tiêm chủng vaccine HPV để phòng lây nhiễm HPV. Việc tiêm phòng vaccine không có tác dụng bảo vệ cơ thể hoặc điều trị HPV khi đã nhiễm, song có tác dụng phòng nhiễm HPV cho những lần sau. Do đó, không nên nghĩ rằng đã quan hệ tình dục và có nguy cơ nhiễm HPV thì không cần tiêm ngừa nữa.
Vaccine HPV được khuyến cáo tiêm cho trẻ em từ lúc 9 tuổi, độ tuổi tạo miễn dịch tốt nhất, trước khi trẻ có hoạt động quan hệ tình dục. Hiện VNVC đang có hai loại vaccine HPV là Gardasil và Gardasil 9, trong đó vaccine Gardasil 9 có hiệu quả lên đến 94% phòng các bệnh ung thư cổ tử cung, ung thư hậu môn, ung thư vòm họng, mụn cóc sinh dục... do 9 chủng virus HPV nguy cơ cao.
Bác sĩ Nguyễn Lê Nga
Quản lý Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC