- Vaccine khuyến cáo tiêm tốt nhất cho trẻ từ 9 đến 14 tuổi, có quá sớm không?
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Ủy ban Tư vấn về Thực hành Chủng ngừa (ACIP)Mỹ khuyến nghị tiêm vaccine HPV càng sớm càng tốt, độ tuổi tiêm chủng từ 9 đến 14. Việc này giúp vaccine đạt hiệu quả cao nhất, bảo vệ trẻ trước khi bắt đầu quan hệ tình dục.
Bên cạnh đó, HPV có đường lây âm thầm khác qua tiếp xúc da, đồ dùng cá nhân. Bài báo khoa học đăng tải trên Thư viện Y khoa Quốc gia Mỹ năm 2020 chủ đề đường lây HPV phi tình dục. HPV có thể sống nhiều ngày trên các bề mặt như quần áo, vật dụng vệ sinh cá nhân, thiết bị phụ khoa được sử dụng thường xuyên. Virus tồn tại trong nước có thể lây nhiễm sau 7 ngày (kể cả khi ở môi trường khô sau đó), tỷ lệ 30%.
Như vậy, dù không quan hệ tình dục, mọi người vẫn có thể tiếp xúc mầm bệnh khi dùng chung quần áo, đồ lót, khăn tắm; hoặc mầm bệnh lây nhiễm qua vết xước trên da.
- Vaccine HPV chỉ tiêm cho nữ giới có đúng không?
Quan điểm chỉ nữ giới mới cần tiêm HPV không đúng. Nhiều nghiên cứu cho thấy tỷ lệ đào thải HPV ở nam giới thấp hơn nữ giới 26%. Các loại ung thư do HPV ở nam chưa có biện pháp tầm soát để phát hiện bệnh sớm.
Tại Mỹ, nghiên cứu cho thấy HPV có liên quan đến hơn 42.000 ca ung thư, trong đó có khoảng 18.300 bệnh nhân nam. Hơn 90% trường hợp ung thư hậu môn, hơn 60% ung thư dương vật và hơn 70% ung thư vòm mũi họng, ung thư hạ họng, ung thư vùng đầu cổ liên quan tới HPV. Do đó, không chỉ nữ giới, nam giới, cộng đồng đặc biệt (người chuyển giới, đồng tính) cũng rất cần tiêm vaccine HPV để phòng bệnh.
- Lịch tiêm vaccine HPV cho bé trai, nam giới như thế nào?
Vaccine thế hệ mới Gardasil 9 (MSD - Mỹ) được chỉ định tiêm cho nữ giới, nam giới, cộng đồng đặc biệt (LGBT, MSM) từ 9-26 tuổi, mở rộng độ bảo vệ khỏi 9 tuýp HPV nguy cơ cao 6, 11, 16, 18, 31, 33, 45, 52 và 58 với hiệu quả bảo vệ 94%.
Trước sinh nhật lần thứ 15, trẻ chỉ cần tiêm 2 mũi cách nhau 6-12 tháng sẽ đảm bảo miễn dịch phòng bệnh, tiết kiệm nhiều chi phí. Đối với người từ 15-26 tuổi, phác đồ tiêm vaccine HPV gồm 3 mũi trong 6 tháng.
- Vaccine HPV có ảnh hưởng đến chức năng sinh sản nam giới?
Nhiều phụ huynh lo lắng tiêm vaccine HPV sớm sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của trẻ về sau hoặc tiêm vaccine phòng các bệnh lây qua đường tình dục sẽ khiến trẻ có xu hướng tò mò giới tính. Đây là các quan điểm chưa đúng do chưa có dữ liệu nào cho thấy vaccine HPV ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản về sau của bé trai và bé gái.
Trẻ có thể tò mò về giới tính và quan hệ tình dục sớm mà phụ huynh không hay biết. Ví dụ theo nghiên cứu của Bộ Y tế và WHO công bố năm 2022, tỷ lệ quan hệ tình dục của trẻ trước 14 tuổi tăng gấp đôi trong 6 năm qua, từ 1,45% năm 2013 lên 3,51% năm 2019.
- Nam giới trên 26 tuổi có được tiêm vaccine?
Người trên 26 tuổi vẫn có thể tiêm vaccine HPV nhưng hiệu quả bảo vệ sẽ không tối ưu. Nếu có nhu cầu tiêm chủng, mọi người có thể đến trực tiếp các đơn vị tiêm chủng như VNVC để được các bác sĩ tư vấn.
Việc tiêm vaccine không có nghĩa là loại bỏ 100% nguy cơ mắc các bệnh do HPV. Mọi người vẫn cần thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng bệnh như: quan hệ tình dục an toàn, quan hệ một vợ một chồng, hạn chế các chất kích thích, sinh hoạt lành mạnh, duy trì khám sức khỏe định kỳ....
- Người đã nhiễm HPV thì có thể tiêm vaccine không?
Có khoảng 12 chủng HPV nguy cơ cao gây ung thư cổ tử cung, ung thư vòm họng, ung thư hậu môn, mụn cóc sinh dục... Khả năng tái nhiễm virus HPV rất cao, miễn dịch của cơ thể sau khi bị nhiễm trùng tự nhiên không đủ để phòng tránh nguy cơ tái nhiễm, nhưng vaccine lại có thể làm được điều này. Tiêm vaccine giúp phòng các chủng virus khác và phòng tái nhiễm.
- Cần làm gì trước và sau khi tiêm vaccine HPV?
Trước khi tiêm, người tiêm cần nghỉ ngơi, ăn uống đầy đủ để có sức khỏe, tinh thần tốt. Mọi người sẽ phải khám sàng lọc trước tiêm, cần khai báo các thông tin về sức khỏe hiện tại, bệnh đã mắc, các thuốc - liệu pháp điều trị đã và đang dùng trong 3 tháng gần nhất, loại vaccine đã tiêm trong vòng 4 tuần và tiền sử phản ứng, dị ứng của cơ thể, dị ứng đã gặp với thức ăn, thuốc...
Sau khi tiêm HPV, người tiêm cần theo dõi tối thiểu 30 phút tại cơ sở tiêm chủng. Các phản ứng thường gặp của vaccine HPV là: sốt, xuất hiện ban đỏ, đau, sưng và ngứa tại vị trí tiêm... Nếu phát hiện các biểu hiện bất thường, nôn trớ, thở nhanh hay ngắt quãng, da mẩn đỏ... cần báo ngay cho nhân viên y tế gần nhất.
Ngoài ra, vaccine HPV cần thời gian ít nhất 2 tuần để tạo kháng thể bảo vệ cơ thể trước các chủng HPV có trong vaccine. Do đó, sau khi tiêm vaccine, người tiêm vẫn nên quan hệ tình dục an toàn và thực hiện các biện pháp phòng bệnh khác.
Bác sĩ Nguyễn Lê Nga
Quản lý Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC