Trả lời:
Những trường hợp bị chó cắn gây bầm da thường khiến mọi người chủ quan. Họ cho rằng không có vết thương hở và chảy máu, virus dại không thể xâm nhập vào cơ thể và gây bệnh.
Quan điểm này chưa đúng. Khi bị chó tấn công, cơ thể đã tiếp xúc với nước bọt chứa virus dại. Khả năng nhiễm giảm đi khi không có vết thương hở, song nguy cơ nhiễm virus không bị loại trừ vì con vật có thể gây các vết thương nhỏ, mờ ở vị trí khác dễ bỏ qua.
Bạn xử trí theo hai tình huống như sau:
Nếu vết bầm ở xa khu vực thần kinh trung ương và chó đã được tiêm phòng dại, bạn có thể tự theo dõi tình hình sức khỏe tại nhà. Khi con chó và cơ thể bạn có dấu hiệu bất thường, hãy đến ngay cơ sở y tế để các bác sĩ khám, tư vấn và can thiệp kịp thời.
Trong trường hợp bị chó lạ tấn công gây bầm tím, không chảy máu, bạn nên sơ cứu vết thương nhanh tại nhà. Sau đó, bạn đến ngay trung tâm y tế để được các bác sĩ chuyên môn đưa ra phương án xử trí kịp thời. Chó hoang không rõ đặc điểm về tiền sử tiêm chủng, tình trạng bệnh tật, mức độ nguy hiểm, do đó bạn vẫn cần tiêm vaccine ngừa dại để đảm bảo an toàn.
Ngoài ra, vaccine còn được sử dụng để dự phòng với phác đồ 3 mũi, tức là tiêm trước để phòng bệnh, thay vì chờ đợi đến khi bị cắn mới chủng ngừa. Người đã tiêm dự phòng chỉ dùng thêm hai mũi nếu bị động vật tấn công và không dùng huyết thanh. Bạn có thể đến các trung tâm tiêm chủng để được tư vấn thêm.
Thạc sĩ Nguyễn Diệu Thúy
Chuyên viên Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC