- Vaccine tiền hôn nhân gồm những loại nào?
Vaccine tiền hôn nhân gồm những loại được các chuyên gia khuyến cáo nên hoàn thành phác đồ tiêm trước khi kết hôn, cần thiết đối với hai giới. Chủng ngừa góp phần giúp cha mẹ có đủ miễn dịch, em bé tương lai chào đời khỏe mạnh.
Có khoảng 8 loại vaccine trong gói vaccine tiền hôn nhân, gồm HPV, thủy đậu, sởi - quai bị - rubella, uốn ván, bạch hầu - uốn ván - ho gà, viêm gan B, cúm mùa, phế cầu khuẩn. Lý do là có nhiều bệnh truyền nhiễm ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, song có thể phòng ngừa nhờ vaccine. Ví dụ quai bị, khoảng 20-30% nam giới mắc bệnh sẽ bị viêm tinh hoàn, khiến chất lượng tinh trùng giảm, vô sinh. Ở nữ giới, 1/15 người bệnh bị viêm buồng trứng, ảnh hưởng đến chức năng làm mẹ.
Một số vaccine giúp hạn chế các bệnh lây qua đường tình dục như HPV và viêm gan B. Thai phụ nhiễm HPV có thể mắc sùi mào gà, dẫn đến cản trở đường sinh, không thể sinh thường. Nếu nhiễm các chủng nguy cơ cao dẫn đến ung thư cổ tử cung, mẹ phải hoãn điều trị vì có thể dẫn đến chuyển dạ sớm. Còn viêm gan B dễ lây qua đường tình dục, đường máu và mẹ sang con. Khoảng 90% thai phụ nhiễm viêm gan B sẽ lây cho thai nhi, khiến trẻ có nguy cơ cao bị viêm gan mạn tính, xơ gan, ung thư gan.
- Chủng ngừa trước hôn nhân chỉ dành cho nữ giới?
Vaccine không dành riêng cho giới tính nào, "cánh mày râu" cũng nên tiêm vaccine để xây dựng gia đình hạnh phúc.
Thực tế, nam giới cũng có nguy cơ bệnh tương đương hoặc hơn nữ giới do giao lưu, tiếp xúc nhiều. Khi không được phòng bệnh, họ có thể trở thành nguồn lây cho người thân như vợ, bố mẹ, con, tăng nguy cơ trở nặng, nhập viện điều trị.
Ví dụ tỷ lệ nam giới nhiễm HPV suốt đời là 45-50% và không giảm theo độ tuổi. Đồng thời, tỷ lệ đào thải virus ở nam cũng thấp hơn nữ và nam giới cũng có miễn dịch tự nhiên yếu hơn.
- Nữ giới đến kỳ kinh nguyệt nên chủng ngừa hay không?
Phụ nữ đang trong kỳ kinh nguyệt không thuộc nhóm các trường hợp chống chỉ định hoặc hoãn tiêm chủng. Tuy nhiên, phụ nữ nên nghỉ ngơi, ăn uống hợp lý, không nhịn ăn sáng để tránh bị mệt, tụt huyết áp khi tiêm chủng.
Trước khi tiêm, người tiêm sẽ được khám sàng lọc. Nếu mắc các bệnh cấp tính hoặc sức khỏe không đảm bảo, đau bụng, uể oải, khó chịu, bác sĩ có thể tư vấn lùi lịch tiêm, không cần tiêm lại từ đầu.
- Nên tiêm ngừa trước khi kết hôn bao lâu?
Cơ thể cần thời gian để sinh miễn dịch sau chích ngừa. Bên cạnh đó, một số vaccine cần chủng ngừa nhiều mũi, kéo dài 3-6 tháng để tạo hiệu quả tốt nhất. Do đó, các cặp đôi nên sắp xếp thời gian thời gian hợp lý để chủng ngừa, tốt nhất nên hoàn thành trước khi kết hôn.
Một số vaccine chống chỉ định cho mẹ bầu, do đó cần chú ý hoàn thành trước khi mang thai. Ví dụ mũi tiêm ngừa thủy đậu, sởi - quai bị - rubella, cần hoàn thành trước ba tháng; mũi ngừa HPV hoàn thành tốt nhất trước một tháng.
- Chưa hoàn thành phác đồ tiêm lỡ mang thai có sao không?
Phụ nữ có thai là đối tượng nhạy cảm do đó ít có nghiên cứu lâm sàng về thuốc và vaccine. Các chuyên gia khuyến cáo chung các vaccine sống giảm độc lực như sởi, quai bị, rubella và thủy đậu không chủng ngừa cho thai phụ do có thể ảnh hưởng bất lợi đến sự phát triển của bào thai.
Trường hợp mang thai sau tiêm các loại vaccine này, phụ nữ mang thai không nên quá lo lắng. Nhiều nghiên cứu cho thấy phụ nữ không gặp tai biến sản khoa hoặc em bé có dị tật khi có bầu trong quá trình chủng ngừa. Trường hợp tiêm chủng sau đó phát hiện có bầu, phụ nữ nên hỏi ý kiến bác sĩ để được theo dõi sát, tránh tự ý phá thai.
Ví dụ Mỹ không ghi nhận trường hợp hội chứng rubella bẩm sinh nào ở trên 1.000 trường hợp thai phụ vô tình được tiêm ngừa rubella trong thời gian đầu thai kỳ. Khoa học không có bằng chứng về nguy cơ đối với bào thai do chủng ngừa vaccine bất hoạt hoặc mũi kháng huyết thanh như cúm, uốn ván, ho gà, bạch hầu, uốn ván, dại...
- Tôi có cần khai báo về tình trạng quan hệ tình dục và làm xét nghiệm trước chủng ngừa?
Hiện chưa có khuyến cáo về việc không được quan hệ tình dục trước và trong thời gian tiêm phòng. Bác sĩ không khai thác về yếu tố quan hệ tình dục của các cặp đôi vì đây không phải là yếu tố quyết định đến chỉ định chích ngừa. Ví dụ, tại Việt Nam, vaccine HPV áp dụng cho nam và nữ giới từ 9-26 tuổi, dù đã quan hệ tình dục hay từng nhiễm virus.
Chỉ vaccine phòng viêm gan B cần xét nghiệm định lượng kháng thể trước khi chủng ngừa. Việc này giúp bác sĩ biết nam giới, nữ giới đã nhiễm virus chưa hoặc có lượng kháng thể phòng bệnh ở mức nào để đưa ra chỉ định phù hợp.
Đối với các loại khác, việc xét nghiệm trước tiêm không cần thiết. Người tiêm nằm trong độ tuổi được chỉ định, không dị ứng với thành phần vaccine, không đang điều trị các bệnh cấp tính... đều đủ điều kiện chích ngừa. Bác sĩ chỉ khám, sàng lọc và xem xét để tránh chống chỉ định chủng ngừa.
- Vaccine gây nóng, mẹ bầu không nên tiêm?
Vaccine đưa vào cơ thể một lượng rất nhỏ mầm bệnh đã bị suy yếu hoặc bất hoạt (không còn hoạt động) để kích thích hệ miễn dịch của cơ thể chủ động sản xuất kháng thể đặc hiệu. Do đó, chủng ngừa không gây bệnh mà còn giúp cơ thể phòng bệnh hiệu quả và an toàn.
Sốt và nóng là phản ứng thông thường sau tiêm chủng cho thấy hệ miễn dịch đang tập "đánh trận giả", các triệu chứng này sẽ tự hết sau khoảng 1-2 ngày. Mẹ bầu không nên lo lắng phản ứng sốt, bỏ qua chích ngừa, để lại hậu quả và di chứng nặng nề.
Bác sĩ Bạch Thị Chính
Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC