Vậy là vừa tới nhà, tranh thủ lúc Bo xem hoạt hình, Thư chạy nhanh ra chợ, mua chút tôm, mực về nấu món lẩu yêu thích cho em gái. Đây là "bữa ăn tự do" đầu tiên của hai chị em, sau một tháng ròng rã ở Bệnh viện Nhi đồng 2, vừa để Bo truyền hóa chất, vừa do dịch Covid-19 căng thẳng, bệnh viện hạn chế thân nhân ra vào.
Bo là tên mà Lê Thị Minh Thư, 26 tuổi, gọi âu yếm cô em gái 13 tuổi của mình, Lê Thị Minh Thùy. Mồ côi mẹ, ba có gia đình riêng, từ năm Thư 16 tuổi, Bo ba tuổi, hai chị em đã nương tựa vào nhau sống.
Thư làm thuê cho một tiệm quần áo bán sỉ tại chợ Hạnh Thông Tây, gần nhà, còn Bo đang học lớp 7, trường THCS Phạm Văn Chiêu, quận Gò Vấp. Điều kiện kinh tế của hai chị em không dư dả, đều dựa vào tiền lương 6 triệu mỗi tháng của Thư. Hàng ngày, dù bận làm đến mấy, Thư vẫn dành thời gian đưa đón em hai buổi đến trường, nấu nướng những món Bo thích, dù cô bé "cực kỳ kén ăn". Tối, hai chị em lại ngủ chung, rúc rích kể chuyện đã gặp hôm nay.
"Tôi ngỡ cuộc đời cứ thế bình yên mà trôi qua, đến khi Bo lớn, Bo đi học đại học, Bo lấy chồng...", Thư tâm sự.
Bước ngoặt xảy ra ngay sau tết 2021, Bo bắt đầu xanh xao, mệt mỏi và ngày càng biếng ăn. Ban đầu Thư nghĩ do em gái bị suy dinh dưỡng hoặc thiếu chất nên đưa em đi khám ở Bệnh viện quận Gò Vấp. Các bác sĩ nói Bo bị thiếu máu nặng, cần điều trị lâu dài, và khuyên cô đưa em đến Bệnh viện Nhi đồng 2 để làm các xét nghiệm chuyên sâu hơn.
Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, sau khi có kết quả xét nghiệm, bác sĩ "dụ" Bo ra ngoài chơi, muốn nói chuyện riêng với người thân, Thư đã lờ mờ đoán ra có tin xấu. Bác sĩ thông báo Bo bị bệnh bạch cầu cấp, dòng lympho B, nhóm nguy cơ cao, tức là ung thư máu. Người chị òa khóc ngay lập tức. Cô kể lại cảm giác "rơi xuống đáy, hoang mang cực độ, không biết phải làm như thế nào". Cô lục lại trong trí nhớ, gia đình hai bên nội ngoại không có ai mắc bệnh này, càng thắc mắc tại sao đứa em gái duy nhất của mình lại bất hạnh đến thế.
Vừa ra khỏi phòng bác sĩ, thấy Bo ngước đôi mắt long lanh ngây thơ nhìn mình, Thư gạt khô nước mắt, quyết định giấu bệnh, sợ em sốc. Nhưng Bo là đứa trẻ nhạy cảm, khi được chuyển lên khoa Ung bướu điều trị nội trú, nhìn thấy trẻ em ở đây đều bị rụng hết tóc, gầy gò, da sạm đi... Bo biết bệnh mình sẽ giống như các bạn. Bo hỏi chị "Hai ơi, mắc bệnh này nghĩa là em sẽ chết đúng không?".
Nghe câu hỏi đó của đứa em bé bỏng, Thư dù "lòng đau như xé ra từng khúc" nhưng vẫn cố gắng động viên em, nói bệnh này ai cũng có thể mắc. Cô giải thích, mình bị cảm mà không uống thuốc cũng không khỏi được. Nếu em ngoan, nghe lời hai, nghe lời bác sĩ, cố gắng uống thuốc đều, ăn uống nhiều, em sẽ khỏi.
Sau mấy tuần đầu, hai chị em giờ đã thích nghi được với nhịp sống tại bệnh viện. Bo đã "đánh thuốc" gần xong toa thứ hai. Bác sĩ Đoàn Thị Tuyết Nhi, người trực tiếp điều trị Bo cho biết, phác đồ điều trị hóa trị của em dài ba năm. Trong 12 tháng đầu tiên, sẽ truyền 5 toa hóa trị mạnh, để đẩy lui tế bào ác tính. Hai năm tiếp theo, bệnh ổn sẽ tái khám và điều trị duy trì mỗi tháng một lần.
Đánh giá khi kết thúc toa một, kết quả điều trị khá tốt, tế bào ác tính dường như không còn thấy trong cơ thể Bo. Đây là tín hiệu khả quan bước đầu, em sẽ tiếp tục hóa trị liều cao đúng phác đồ. Ở dòng ung thư máu Bo mắc, tiên lượng điều trị thành công khoảng hơn 50%, bác sĩ Nhi cho hay.
Mặc dù vậy, áp lực vẫn không ngừng bủa vây Thư. Cô hiểu và tin tưởng bác sĩ sẽ cố hết sức để cứu Bo, và cô cũng vậy, nhưng 50% vẫn là con số quá thấp. Thư vừa lo lắng chuyện em có đáp ứng hóa chất không, có quá kiệt quệ sức khỏe hay không, còn thêm suy sụp, khi cứ vài ngày lại chứng kiến một bệnh nhi ung thư quá nặng, bác sĩ cho về nhà.
Điều buồn là ở phòng bệnh, họ là trường hợp duy nhất chị hai nuôi bệnh em, các bệnh nhi khác đều có bố mẹ, ông bà thay phiên nhau. Nhiều lúc Bo truyền hóa chất, truyền máu đau đớn, em tủi thân, khóc, ôm chị hai nói nhớ mẹ.
"Giờ Bo muốn thứ gì, tôi cũng ráng làm cho được. Chỉ có một điều duy nhất là đem mẹ về, tôi bất lực", Thư nghẹn giọng.
Một áp lực lớn khác, mà Thư chưa biết cách nào vượt qua, đó là chi phí điều trị cho Bo. Các bác sĩ ước tính, cần khoảng 150 triệu (ngoài tiền bảo hiểm chi trả) cho 5 đợt hóa trị mạnh này. Thư đã dùng toàn bộ số tiền chắt chiu được, đi vay mượn bạn bè, người thân hai bên nội ngoại không khá giả, đã hỗ trợ cho hai chị em nhưng vẫn thiếu trước hụt sau. Họ cũng không có tài sản gì đáng giá để bán.
Trước đây, Thư vừa chăm sóc em ở bệnh viện, vừa tranh thủ đi làm ở tiệm quần áo. Nhưng một tháng nay, tình hình dịch bệnh căng thẳng, Thư bắt buộc phải ở lại bệnh viện suốt ngày đêm, nguồn lương ít ỏi cũng không còn. Thư bảo, cô ngày nào cũng mong dịch bệnh chóng qua, cô sớm được đi làm lại. Cô đang làm thủ tục để được xác minh là hộ nghèo, xin bảo hiểm y tế 100% cho em gái.
Sau bốn tháng liên tục truyền hóa chất, đến nay, ven tay của Bo khá mỏng và khó bắt. Em phải lấy ven và đặt kim truyền ở chân. Như vậy, mỗi lần từ phòng bệnh lên phòng truyền thuốc, truyền máu, Thư đều phải cõng em trên lưng. Sợ chị hai cực, dù đau đến đâu, Bo đều cố ráng chịu đau, nhịn khóc. Em hồn nhiên, vẫn trêu vui các em cùng phòng, trong khoa và chịu khó đi dạo để tránh teo cơ. Chỉ khi vào thuốc mạnh quá, mệt nhiều em mới nằm một chỗ. Nhìn thấy sự cố gắng tiếp nhận điều trị, ngoan ngoãn, nghe lời của Bo, bác sĩ Nhi chia sẻ, chị vừa khâm phục, vừa mừng.
"Tôi chưa từng có ước mơ gì cho riêng mình. Đến nay, tôi có ước mơ rồi, chỉ mong Bo sống mãi bên cạnh thôi. Điều trị suốt đời cũng được, cực khổ đến đâu tôi cũng chịu được", Thư nói.
Với mục tiêu thắp lên niềm tin cho bệnh nhi ung thư, Quỹ Hy vọng kết hợp với chương trình Ông Mặt trời triển khai chương trình Mặt trời Hy vọng. Thêm một sự chung tay của quý vị là thêm một tia sáng gửi tới thế hệ tương lai của đất nước. Mời xem thông tin về chương trình tại đây. |
Thư Anh