Gia Bảo phát hiện ung thư xương đùi ở chân phải từ cuối năm 2016, đến nay đã gần 5 năm điều trị. Cậu bé có nước da trắng, khuôn mặt béo tròn, thân hình mũm mĩm.
Khi được các y bác sĩ hỏi thăm sức khỏe, Bảo cất giọng lanh lảnh: "Giờ cháu không thấy đau chân nữa, nhưng chân trái không co được, chỉ cử động được một ít thôi vì bị ảnh hưởng từ ung thư xương đùi ở chân phải".
Một bác sĩ lại gần Bảo, nói nhỏ nhẹ: "Ngày mai các cô chú sẽ cắt chân cho con nhé, con có sợ không?".
Nét mặt Bảo chùng xuống. Cậu bé đã biết trước điều này và chậm rãi trả lời: "Cháu thấy bình thường".
Bảo kể, sáng nay, mẹ cháu cũng hỏi là: "Con có cắt chân không? Vì nếu để nguyên thì cũng không mổ thay xương nhân tạo được nữa. Nếu để chân như vậy thì sẽ gặp nhiều biến chứng, có thể suốt đời con sẽ không đi lại được".
Cháu bảo mẹ: "Mẹ cứ cắt đi, con không sao đâu, cái gì tốt nhất cho con là được".
Gia Bảo là một trong những trường hợp ung thư xương nặng nhất điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Giáo sư Trần Trung Dũng, Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật khớp và Y học thể thao, cho biết, may mắn dưới sự hỗ trợ và giải thích cặn kẽ về bệnh tật từ phía gia đình, bé không bị vấn đề về tâm lý, ngược lại, tinh thần rất lạc quan.
Cậu bé nhớ như in từng mốc thời gian được bố mẹ đưa đi chữa trị khắp các viện. Bảo kể, một buổi sáng cuối năm 2016, khi đó em mới 4 tuổi, tỉnh dậy thì thấy hơi đau chân. Khi bước xuống cầu thang, em thấy khó đi, phải vịn vào tường. Lúc ấy, cơn đau nhẹ, cậu bé vẫn chịu được nên không nói với ai. Mãi đến tối, cơn đau tăng dần, em mới bảo với bố mẹ. Cả gia đình không biết rằng đó là triệu chứng ban đầu của bệnh ung thư xương.
Gia đình đưa Bảo đi khám khắp các viện, các bác sĩ đều chẩn đoán bé bị viêm xương. Bảo được truyền kháng sinh, hết đau và trở về nhà, nhưng được vài ngày thì cơn đau lại hoành hành trở lại. Bố mẹ em tiếp tục đưa đi khám khắp các viện.
Bảo được chuyển đến một bệnh viện lớn ở Hà Nội thì bất ngờ phát hiện ung thư xương. Chị Lê Thị Phương, mẹ bé, không giấu giếm bệnh tật của con. Chị chia sẻ: "Lúc đó, mình nói thẳng cho con biết tình trạng bệnh để con có ý thức trong quá trình điều trị. Nếu điều trị tốt, con có niềm tin thì sẽ chiến thắng được bệnh tật".
Bảo khi ấy còn quá nhỏ, không biết ung thư là bệnh gì, nhưng thấy bố mẹ luôn động viên và giải thích kỹ càng về căn bệnh, em hiểu và nghe lời bố mẹ, ngoan ngoãn điều trị. Bảo điều trị ở Bệnh viện K từ tháng 3/2017, truyền 17 đợt hóa chất và 25 mũi xạ trị. Lúc đầu truyền hóa chất, bé bị nôn, sức khỏe yếu nên người đau nhức, bà nội và bố mẹ phải bóp người liên tục. Song, Bảo vẫn ý thức phải cố gắng, cố ăn uống để còn lấy sức điều trị.
Người mẹ kể "Thời gian đầu, cháu có sợ hãi nhưng không bao giờ đòi về, chỉ có khi nào đau quá thì khóc thôi". Bảo cũng tự tìm niềm vui cho mình trong phòng bệnh, cậu nói: "Phòng có các bạn nhỏ giường bên cũng bị bệnh, con thấy vui hơn vì có người nói chuyện".
Điều trị đến tháng 5/2018, Bảo được ra viện, chân hết đau, chạy nhảy được.
Bảo bắt đầu việc học ở trường, học thêm, một tháng là em biết đọc chữ. Tuy nhiên, do không đủ buổi học nên Bảo phải ở lại lớp. "Học với các em kém tuổi, con cũng thấy vui", cậu bé nói.
Ngỡ tưởng bệnh tình ổn định nhưng đến tháng 8/2019, chân phải cậu bé sưng đau trở lại. Nghi ung thư tái phát, người mẹ lại đưa con đi khám nhiều viện, kết quả chẩn đoán chỉ bị viêm. Bác sĩ chỉ định truyền kháng sinh, tuy nhiên, bệnh tình không thuyên giảm.
Đôi chân phía đùi phải càng sưng tấy như quả bưởi, đau nhức. Cuối năm 2020, Bảo bắt đầu phải dùng nạng hoặc xe lăn. Thời gian này, ngoài những lần đến viện truyền kháng sinh giảm đau, Bảo vẫn tập trung học tập. Mãi đến tháng 5/2021, Bảo được chuyển sang Bệnh viện Tâm Anh tìm giải pháp.
Giáo sư Dũng chẩn đoán ung thư xương đã di căn lên cột sống và não, ảnh hưởng đến chân trái. Ban đầu, các bác sĩ dự định phẫu thuật lấy phần cẳng chân ghép vào phần đầu trên đùi để cứu đôi chân, song, tình trạng bệnh nhi rất nặng, khối ung thư di căn cột sống, chèn ép tủy nên yếu cả chân trái, nếu phẫu thuật cũng khó đi lại được. Các bác sĩ và gia đình quyết định cắt chân.
Bảo được mẹ thông báo về việc phải cắt chân. Lúc đầu, cậu bé có chút lo sợ, hỏi mẹ: "Cắt chân thì con sẽ mất hẳn một chân hả mẹ, như vậy con có đi được không?".
Chị Phương giải thích: "Nếu không cắt thì con sẽ phải nằm thế này suốt đời, cắt đi thì mới mau khỏi, nhanh đi lại được".
Bảo đáp: "Mẹ và các bác sĩ cứ làm sao tốt nhất cho con thì làm". Giọng nói Bảo vẫn lanh lảnh như thường ngày nhưng nói chậm rãi hơn vì mệt mỏi. Song em tuyệt nhiên không khóc hay tỏ ra lo sợ.
Các bác sĩ cho biết, mỗi hình thái điều trị ung thư đều mang tới những thách thức tâm lý riêng. Hầu hết các bệnh nhân ung thư quan niệm phẫu thuật là một phương pháp chữa khỏi bệnh tốt nhất. Tuy nhiên do tính xâm nhập, phẫu thuật làm cho bệnh nhân cảm thấy sợ hãi, lo ngại, dằn vặt. Lúc này, cha mẹ cần động viên người bệnh bằng cách giải thích, an ủi, hoặc những giải pháp thực tế sau phẫu thuật như tạo hình, bộ phận thay thế giả... cần được thảo luận.
Nhiều bệnh nhân chỉ nghĩ đến ung thư là đã hoảng hốt mất ăn, mất ngủ... Khi bệnh nhân có những phản ứng như lẩn tránh, tạo mọi cớ trì hoãn, chối bỏ phẫu thuật vì quá sợ thì cần có can thiệp của bác sĩ tâm lý.
Bác sĩ nhận định, điều trị ung thư trẻ em là một trong những thực hành phức tạp nhất trong nhi khoa, đòi hỏi đội ngũ chuyên khoa bao gồm các chuyên gia ung thư học nhi khoa, bệnh học, chẩn đoán hình ảnh, phẫu thuật ung thư nhi, xạ trị, điều dưỡng ung thư nhi và các người hỗ trợ khác như chuyên gia về dinh dưỡng, tâm lý, dược lý... Ở Việt Nam, bệnh nhi bị trầm cảm hoặc gặp vấn đề tâm lý phải cần đến chuyên gia do điều trị ung thư khá hiếm gặp.
May mắn, bé Gia Bảo có tinh thần lạc quan, không gặp vấn đề tâm lý. Tuy nhiên, theo bác sĩ, sau khi cắt chân, cha mẹ cần theo dõi sát diễn biến tâm lý trẻ, kể cả khi bé lớn lên, trưởng thành. Hơn nữa, sau phẫu thuật cắt chân, bệnh nhi có thể gặp diễn biến nặng hơn do các vấn đề toàn thân, đặc biệt, có thể ảnh hưởng đến thần kinh, vì vậy vấn đề tâm lý rất cần được gia đình động viên, chú trọng.
Chị Phương kể: "Gia đình luôn tôn trọng ý kiến của con, coi con như người lớn, không áp đặt. Quá trình điều trị khiến cháu cũng trưởng thành hơn".
Bảo năm nay 10 tuổi nhưng mới chỉ học lớp ba. Chị Phương cho biết: "Hôm qua, các cô y tá cũng ngạc nhiên, nghĩ con đi điều trị sẽ nghỉ học, nhưng con vẫn đi học, ngoại trừ những lần đi viện. Có lần Bảo còn dặn bố mẹ mang sách vở đến viện để ôn thi".
Sau khi được mẹ thông báo về việc cắt chân, Bảo lại nằm ngoan trên giường bệnh. Người mẹ mang một vài quyển sách vào giường đọc cho con, Bảo chăm chú nghe. Cậu bé bảo mẹ: "Nếu sau này một chiếc chân của con không còn nữa, con càng phải cố gắng học giỏi để không thua kém các bạn, mẹ nhé".
Với mục tiêu thắp lên niềm tin cho bệnh nhi ung thư, Quỹ Hy vọng đang triển khai thực hiện chương trình Mặt trời Hy vọng (tiền thân là chương trình Ông Mặt trời). Thêm một sự chung tay của quý vị là thêm một tia sáng gửi tới thế hệ tương lai của đất nước.
Mời xem thông tin về chương trình tại đây.