Văn đang điều trị căn bệnh ung thư máu tại Khoa Bệnh máu trẻ em, Viện huyết học và truyền máu Trung ương. Phòng bệnh của Văn có 14 em nhỏ khác đang điều trị, cùng người nhà chăm nom, nên lúc nào cũng nhộn nhịp.
Cậu bé nằm im một chỗ, cơ thể mệt mỏi, sốt, buồn nôn do điều trị hóa chất. Những lúc đỡ hơn, em quay sang trò chuyện với các bạn bên cạnh, hoặc nghịch chiếc điện thoại của người bố đưa.
Bố em, anh Dương Bá Tuấn, suốt 7 tháng nay nghỉ việc đồng áng ở quê Thường Tín, một mình chăm Văn. Mẹ Văn mất khi em còn nhỏ. Thu nhập ít ỏi 300.000 đồng mỗi tháng trước đây từ việc làm ruộng thuê giờ không còn khiến gia đình càng khốn đốn. Song, anh Tuấn vẫn cố gắng chạy vạy khắp nơi để chữa trị cho con.
Đây là đợt truyền máu và hóa chất thứ 4 của Văn. Theo phác đồ, cậu bé phải truyền 5 đợt, mỗi đợt một tháng, sau đó về nhà nghỉ 20 ngày. Nếu đáp ứng tốt, hết 5 đợt em sẽ được xuất viện, hàng tháng khám định kỳ, khi nào bệnh tái phát, các bác sĩ sẽ lên phác đồ tiếp tục điều trị. Đây là căn bệnh em sẽ phải điều trị suốt đời.
Bác sĩ Trần Thanh Tùng, người điều trị trực tiếp cho Văn, bước vào phòng bệnh. Thấy bác sĩ, Văn mắt sáng lên. Văn đã quen với bác sĩ Tùng, không còn sợ sệt. Sau khi hỏi thăm bệnh tình, bác sĩ trêu đùa vài ba câu, cậu bé cười khúc khích, quên đi cảm giác đau đớn mệt mỏi.
Cậu bé ngoan và rất hiểu chuyện. "Cháu mệt nhưng không còn sợ truyền hóa chất như những lần đầu nữa. Cháu biết phải truyền như vậy mới nhanh khỏe để được về nhà, bố cháu cũng bớt gánh nặng", Văn nói.
Dương Anh Văn phát hiện bệnh vào tháng 11/2020, trước đó, sức khỏe em hoàn toàn bình thường. Người bố kể, một tuần liền thấy con kêu mệt nhưng anh Tuấn bận đi làm nên không để ý. "Có lần, con bảo mệt không đi nổi, không leo nổi cầu thang, bạn cùng lớp phải cõng, lúc đấy tôi mới bắt đầu lo", anh Tuấn nói.
Con quá yếu, kèm theo biểu hiện đau đầu, chán ăn, sút cân, anh Tuấn vội bắt xe đưa con đến Bệnh viện Nhi Trung ương khám. Kết quả xét nghiệm máu phát hiện bé bị bạch cầu tủy, một dạng ung thư máu. Anh Tuấn như ngã khụy, song vẫn cố vững vàng lo toan, không nói cho con biết bệnh tình vì sợ cháu suy sụp. Văn được chuyển đến Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương điều trị.
Cậu bé nghỉ học từ đó. Ngoài Văn, anh Tuấn còn một bé trai lớn 17 tuổi đang đi học. Anh bộc bạch: "Tôi phải vay mượn chắt bóp từng đồng, nhưng quyết tâm chữa trị cho con, miễn sao con khỏe mạnh".
Đợt đầu tiên điều trị hóa chất, Văn khó chịu trong người, nôn, đau xương và không thể đi lại. Vì còn nhỏ nên em chưa hiểu mấy về căn bệnh. Về sau, bạn bè họ hàng đến thăm, Văn dần dần biết và hiểu về bệnh tình của mình. Cậu bé chia sẻ: "Thời gian đầu cháu có buồn và hơi lo sợ". Song, tính tình em ít nói lại là con trai nên Văn không biểu lộ cảm xúc ra bên ngoài. Người bố thấy vậy cũng chỉ biết động viên con.
"Tôi biết điều trị làm cháu sợ hãi nhưng cháu không bao giờ thể hiện ra trước mặt mọi người. Tôi càng thương con hơn", anh Tuấn nói.
Văn ngoan ngoãn nghe lời và chuyên tâm điều trị. Ban đầu, khi thấy bệnh viện, bác sĩ, những mũi kim truyền hóa chất và máu, Văn thu mình lại, sợ sệt, không giao tiếp với ai. Những lúc đau quá em khóc, chỉ muốn về nhà nhưng không một lần kêu than với bố. Thỉnh thoảng, cậu bé lại hỏi bố về tình hình ở nhà, ruộng vườn ra sao.
Qua từng đợt truyền, sức khỏe Văn dần cải thiện dần. Khi buồn, em lại quay sang trò chuyện trêu đùa các bạn nhỏ cùng phòng bệnh, nhờ đó tinh thần cũng vui vẻ, lạc quan hơn.
Bác sĩ Trần Thanh Tùng, Khoa Bệnh máu trẻ em, cho biết, bệnh bạch cầu tủy rất nặng, diễn tiến nặng nhanh ngày từ lúc vào viện. Đến nay bệnh nhi điều trị đợt 4, đáp ứng khá tốt. Bé hiện đang sốt nhiễm trùng.
Bác sĩ Tùng nhận định, khi mắc một bệnh ác tính và phải điều trị thì hầu hết các bệnh nhi đều có tâm lý rất sợ. Có bé sẽ nói ra, có bé không, nhưng nhìn chung, vì nỗi sợ nên quá trình điều trị ban đầu khó khăn, phải mất thời gian để các em làm quen. Sau thời gian đó, sức khỏe bệnh nhân mới cải thiện, tinh thần ổn định hơn.
Ung thư máu có hai dòng, lympo và dòng tủy, trong đó ở Việt Nam, dòng lympo chiếm nhiều hơn, khoảng 60-70%. Dòng tủy như bé Văn ít gặp hơn, tỷ lệ ác tính cao hơn và diễn tiến nặng nhanh.
Bên cạnh điều trị bệnh lý, bác sĩ Tùng rất chú trọng về tinh thần các bé. Anh thường xuyên động viên, mỗi ngày đi buồng lại vào trêu, trò chuyện để các bé có cảm giác thân thiện. Văn nói riêng cũng như các bệnh nhi khác từ đó tinh thần thoải mái hơn.
Bác sĩ cho biết, sau 5 đợt dùng hóa chất để kìm hãm sự phát triển tế bào ung thư, không còn tế bào ung thư không còn trong máu và trong tủy xương, bé Văn sẽ được xuất viện, khi nào tái phát thì điều trị tiếp. Tuy nhiên, bác sĩ nhận định ung thư máu dòng tủy nguy cơ tái phát nhanh, khoảng vài tháng đến một năm, bệnh nhi gần như phải điều trị liên tục.
Tỉnh dậy sau cơn sốt, Văn tỉnh táo hơn, quay sang cười nói với các bệnh nhi khác và bố. Anh Tuấn nở nụ cười, lấy hộp sữa cho bé uống. Văn vừa uống sữa vừa ngồi lẩm nhẩm tính xem nếu hết 5 đợt khỏi bệnh thì đến bao giờ cậu sẽ được về nhà để còn đi học. Chứng kiến niềm vui của con, người bố tự nhủ: "Sẽ cố gắng chữa khỏi bệnh cho con, dù có phải suốt đời đi nữa".
Với mục tiêu thắp lên niềm tin cho bệnh nhi ung thư, Quỹ Hy vọng đang triển khai thực hiện chương trình Mặt trời Hy vọng (tiền thân là chương trình Ông Mặt trời). Thêm một sự chung tay của quý vị là thêm một tia sáng gửi tới thế hệ tương lai của đất nước.
Mời xem thông tin về chương trình tại đây.