"Đến một thời điểm bong bóng vỡ, không còn nhà đầu tư nào đủ dũng cảm để mua lại căn nhà với mức giá trên trời, thì người mua cuối cùng sẽ ước gì mình bỏ 25 tỷ để gởi ngân hàng còn tốt hơn là mua cái nhà đó".
Tôi có người thân rơi vào cảnh tương tự như đoạn trích từ bài viết Lý do nhà ống giá triệu USD ở Sài Gòn 'đắt vô lý' của tác giả Quân Fischer.
Lúc giá đất sốt người thân tôi mua cùng lúc hai, ba bất động sản (BĐS) giá trị cao: một miếng đất giá 50 tỷ ngay ngã ba mặt đường lớn, một miếng mua ở khu vực đường vừa mở song giá cũng 40 tỷ và vài miếng rải rác khác.
Tôi không rành người thân này có vay ngân hàng không. Vì chuyện tiền nông tôi không muốn biết. Vã lại tôi cũng không có ý biết vì lo người thân hỏi vay mượn thì khó nói.
Về mảnh đất 50 tỷ, lúc sốt đất có một công ty đã hỏi mua lại với giá 65 tỷ đồng. Nhưng người thân tôi không chấp nhận, đòi giá 70 tỷ mới bán (vì lúc đó giá đất đang sốt nóng mà). Tôi thầm nghĩ 65 tỷ bán được rồi, nhưng đâu dám ý kiến.
Sau đó, tôi nghĩ lại thấy hơi buồn cho mình vì họ hàng mua đất giá 50 tỷ mà giờ đã đòi bán 70 tỷ trong thời gian chỉ hơn một năm. Trong khi đó, tôi lại không dám đầu tư như vậy. Rồi tôi tự hỏi tại sao mình nhát gan chuyện mua BĐS như thế.
Nhưng tôi vẫn kiên định không tìm mua BĐS vì lúc đó giá quá cao rồi, sẽ không còn lời sau này. Đúng như tôi nghĩ, khi đất hết sốt thì anh ấy rơi vào khủng hoảng.
Sở dĩ nói như vậy là vì năm 2021, tôi bán được mảnh đất của cha mẹ cho với giá bốn mươi tỷ. Tôi dự tính đầu tư tiếp giai đoạn năm 2022, nhưng lúc đó thấy giá đất nhảy múa liên tục nên tôi không đầu tư mà gửi vào tiết kiệm. Một phần vì may mắn, bán được đất trong cơn sốt nên tôi vững tài chính đến nay.
Giá đất đã quá cao, có khi phải xuống vài năm nữa tôi mới mua. Dù lãi suất giảm, nhiều người vẫn ôm mộng cầm cự nhà đất chờ bán có lời. Tôi nghĩ khác, ôm đất mà không còn tiền mặt thì chỉ có "cạp đất mà ăn".
Vi Nguyên
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.