Hơn một năm nay, cuộc gọi lúc 21h đêm là điều được mong đợi nhất trong ngày của gia đình anh Vương Văn Tiệp và chị Đào Thị Phượng ở Long Biên. Mỗi khi thấy bố xuất hiện trên màn hình, ba đứa nhỏ tranh nhau kể với bố "tỉ thứ chuyện" còn chị Phượng chỉ ngồi yên lặng ngắm chồng. Anh phi công cứ sau một chuyến bay lại phải cách ly 14 ngày nên thời gian "ở trại" nhiều hơn lúc được bay và bên vợ con.
"Lễ 30/4 năm nay bố không về được, hẹn mấy mẹ con sau ngày 9/5 nhé", anh Tiệp nói từ một khu cách ly cách nhà vài cây số.
Dịp lễ cũng trùng thời điểm kỷ niệm 11 năm ngày cưới và cũng là 18 năm ngày họ yêu nhau. Ngay lần đầu tiên chạm phải ánh mắt nhau trong bữa cơm nhà người quen cách đây 18 năm, Tiệp và Phượng đã trúng tiếng sét ái tình. Suốt bữa ăn, chàng trai cứ tủm tỉm cười, cô gái thì e thẹn chẳng dám ngước mặt lên.
Từ năm 10 tuổi Tiệp đã phải rời xa gia đình ở Bắc Ninh vào Sài Gòn. Sự xuất hiện của cô gái Hà Nội bỗng chốc làm xáo trộn cuộc sống chỉ biết những chiếc máy bay và bầu trời của chàng trai. Sau bữa cơm đó, ngày nào cứ tan giờ học bay là Tiệp tới nhà bác xin phép đón Phượng đi chơi. Bao nhiêu kỷ niệm thời thơ ấu bên dòng sông Đuống, những ngày đầu ở đất phương Nam, cho đến ước mơ được chinh phục bầu trời, Tiệp đã phô bày hết trước cô gái làm tim anh loạn nhịp. Chỉ có lời yêu anh không dám nói, bởi chẳng bao lâu nữa phải đi xa. Họ cứ thế chia tay không một lời hẹn ước.
Phượng về tiếp tục việc học đại học. Những cuộc gọi điện thoại hay những buổi chat webcam với anh phi công vẫn diễn ra đều đặn. Cuối năm 2003, trước lúc đi du học ba ngày, Tiệp ra Bắc có việc, đến tìm gặp Phượng nhưng cô vắng nhà. Anh ôm nỗi buồn trở lại Sài Gòn, lên máy bay đi Pháp. Lời tỏ tình vẫn "treo lơ lửng" giữa hai người dù họ biết chỉ cần đưa tay lên là với được.
Tháng 11/2004, Đào Thị Phượng tham gia cuộc thi Hoa hậu Việt Nam và lọt vào vòng chung kết. Nghe tin, Tiệp lo đến mất ngủ và lúc biết cô chẳng được giải gì, có lẽ anh là người... vui nhất.
Song, nỗi lo vẫn chưa dừng lại. Một tháng sau, Phượng được tuyển làm thư ký cho tổng giám đốc một công ty công nghệ. "Còn chưa sở hữu được đồn thì tứ phía là địch", anh phi công vừa cười vừa hồi tưởng lại "khoảnh khắc quyết định" quan trọng nhất đời mình.
Một tối, biết Phượng đi sinh nhật đồng nghiệp và được một trong những người theo đuổi chở về, Tiệp không cầm lòng được nữa, gọi về trong đêm. "Anh biết mình không có quyền gì để giữ em bên cạnh. Anh cũng không biết có thể đem lại hạnh phúc cho em hay không khi mà bây giờ vẫn chưa có gì trong tay. Anh không dám ngỏ lời vì không muốn em phải chờ đợi trong vô vọng. Bây giờ anh chỉ hỏi em một câu: Em có dành tình cảm cho anh và sẵn lòng chờ đợi anh không?", chàng trai tỏ tình mà giọng nghèn nghẹn.
Lời yêu đến bất ngờ khiến Phượng đã phải dùng tay trấn an con tim đang đập loạn. "Tôi đã mong chờ lời này của anh bao lâu. Giây phút đó tôi đã nghĩ cả cuộc đời này sẽ dành trọn cho anh", chị chia sẻ.
Họ yêu xa trong suốt thời gian anh học ở Pháp. Chiều tối ngày 15/6/2006, cô đang trong khách sạn ở TP HCM sau cuộc họp của công ty thì nhận được điện thoại của Tiệp. Bước ra sảnh, cô gái Hà Nội sững sờ thấy anh đứng đó, vóc dáng cao gầy, cầm một đóa hồng, đằng sau là mớ hành lý. Hóa ra vì biết cô đi công tác, anh đã cố gắng hoàn tất lịch học để về đúng dịp.
"Cảm xúc như vỡ òa khi anh chạy tới ôm và tặng hoa. Tim hai đứa đập thình thịch trong cái ôm đầu tiên sau hai năm yêu nhau", Phượng bồi hồi kể.
Họ quyết định cưới năm 2010, sau lời cầu hôn: "Nếu em chấp nhận lấy anh, cho anh 5 năm, anh sẽ cho em một cuộc sống đầy đủ". Cưới xong, Tiệp chuyển công tác ra Bắc, sống tại nhà ngoại. Đúng 5 năm, anh giữ lời hứa mua được một mái nhà riêng.
Trong mắt vợ con, anh Tiệp là thần tượng. Sau chuyến đi bay nước ngoài xuyên đêm mười mấy tiếng hay ngày bay vài chặng nội địa, về tới nhà anh có thể đưa các con đi chơi mà không cần nghỉ. Người đàn ông này cũng luôn sẵn sàng lăn lê, bò toài chụp cho vợ và hội chị em những bức ảnh "để đời" nhất. "Anh ấy luôn nói về vợ với ánh mắt sáng ngời", chị Yến, một người hàng xóm của cặp vợ chồng, nói.
Hiện tại anh Tiệp là cơ trưởng của đội bay Airbus A350. Mỗi lúc được sánh bước bên anh, chị Phượng và ba con đầy ắp tự hào. Nhưng cả nhà biết, tất cả những điều này được đánh đổi bằng sự hy sinh của người đàn ông trong gia đình.
Năm năm trước, một lần chồng đi bay, dự kiến 20h sẽ về nhưng đến 22h cả nhà vẫn chưa nhận được tin tức gì về chuyến bay của anh. Cô con gái lớn mới 4 tuổi liên tục hỏi mẹ sao bố chưa về. Chị Phượng cũng rối bời vì không liên lạc được với chồng mà lỡ miệng nói "Bố không về đâu". Cô bé lập tức khóc nấc lên, nghẹn ngào. 3h sáng, anh Tiệp về tới nhà, nghe vợ kể chuyện, anh cúi xuống thơm lên trán con và nắm chặt tay vợ. "Bố xin lỗi nhé! Bố về muộn để mẹ và các con phải lo".
Đại dịch Covid-19 đã thay đổi hoàn toàn nếp sống của gia đình. Chưa bao giờ họ lại xa nhau nhiều đến vậy. Một năm trôi qua với cả chục lần cách ly, nên lúc anh Tiệp được về, cả nhà luôn tận dụng mọi thời gian đi dã ngoại và nhà sách. Hai vợ chồng tranh thủ những chuyến nghỉ ngắn bên nhau.
Trước chuyến bay vừa rồi, vợ chồng anh gửi con cho ông bà, dành cho nhau một chuyến nghỉ dưỡng bên những người bạn thân ở Ninh Thuận. Đêm xuống bên bờ biển Vĩnh Hy sóng vỗ dạt dào, chàng cơ trưởng hát bài Chân tình tặng vợ. Cuộc hôn nhân 11 năm được hâm nóng bằng điều bình dị như thế.
Xem thêm ảnh của gia đình anh Tiệp - chị Phượng:
Phan Dương