Kết thúc công việc ngày cuối cùng tháng 3 khi đã 8 giờ tối nhưng Lê Tuấn Anh vẫn quyết định lên xe đi thẳng về Thái Bình, nơi con gái 6 tháng tuổi đang say ngủ bên người vợ Anatasiia Gadaeva. "Vợ con là món quà bất ngờ tôi có được trong năm Covid-19 đầy biến động", Tuấn Anh, giám đốc điều hành một công ty game có trụ sở ở Hà Nội, nói.
Tuấn Anh gặp "món quà bất ngờ" của mình tại nhà một người bạn vào tháng 1/2020 ở TP HCM. Hôm đó, thấy cô gái ngoại quốc đang ngồi chơi game một mình, chàng trai Việt xin chơi cùng. Từng là một game thủ nên anh khá tự tin. Nhưng chỉ sau 10 phút, anh giám đốc công ty game bị cô gái hạ "đo ván". "Dòng game này khá khó, thế mà cô ấy biết nhiều kỹ năng kết hợp, thao tác điêu luyện khiến tôi bất ngờ", chàng trai nhớ lại.
Khi Anatasiia rời khỏi máy chơi game, Tuấn Anh phát hiện cô có chiều cao 1m79, đôi mắt xanh màu nước biển và mái tóc vàng óng trên vóc dáng hao gầy. Qua câu chuyện, chàng trai Việt biết cô tên là Anatasiia, quốc tịch Nga, đang đầu quân cho một công ty người mẫu ở Thượng Hải và làm việc tại chi nhánh TP HCM.
Một chiến dịch chinh phục "người trong mộng" được Tuấn Anh kích hoạt ngay sau buổi gặp. Anatasiia chia sẻ, dù cũng rất cảm mến chàng trai Việt nhưng thời gian đầu cô định hai người sẽ chỉ làm bạn bình thường bởi e ngại khoảng cách người Nam, kẻ Bắc. Hơn thế, vài tháng nữa cô phải quay lại Thượng Hải và có thể phải trở về Nga.
Nhưng Tuấn Anh đã chứng minh khoảng cách không phải là vấn đề. Hành trình quen thuộc của anh nhiều ngày sau đó là: tối bay vào Sài Gòn, sáng sau bay ra Hà Nội, trung bình 4 lần mỗi tuần. Anh còn xin công ty sắp xếp thêm các công việc ở TP HCM để có nhiều thời gian hơn bên Anatasiia. Cô người mẫu 23 tuổi kể: "Chúng tôi vừa gặp nhau tối nay, có khi tối hôm sau anh ấy đã có mặt ở Sài Gòn và hẹn gặp tôi".
Sự chân thành và nhiệt tình của Tuấn Anh dần dần khiến Anatasiia tin anh thật lòng với mình. Cả hai thêm hiểu nhau sau chuyến đi chơi ở Mũi Né. Trong một đêm bên bờ biển sóng vỗ dào dạt, cô gái Nga đã nhận lời yêu chàng trai Việt.
Ba tháng sau Anatasiia quyết định nghỉ việc, chuyển ra Hà Nội bắt đầu lại sự nghiệp để được gần người yêu. Cùng thời điểm này, Covid-19 bùng phát, Anatasiia lại phát hiện mang bầu. Hai con người từ hai đất nước trở thành vợ chồng chỉ trong vài tháng ngắn ngủi.
Những ngày đầu mới là vợ chồng, họ nhận ra mình có rất nhiều khác biệt nhưng điểm chung là cả hai đều thẳng thắn và chấp nhận dung nạp khác biệt của nhau. Cô vợ Nga không thể ăn cơm, rau luộc, thịt kho còn anh chồng Việt cũng không hề thích khoai tây và sữa. Họ thỏa thuận, mỗi hôm sẽ ăn món của một nước và sau một năm cả hai đều có thể ăn đồ của nhau một cách ngon lành.
Họ cũng bất đồng trong văn hóa, ứng xử. Mỗi lúc vợ chồng tranh cãi, Anatasiia sẽ viết một bức thư dài trao đổi về văn hóa, tính cách và nếp sống gia đình. Tuy nhiên nội dung thư buồn cười và chi chít lỗi chính tả do dùng công cụ dịch. Nhận thư của vợ, lần nào Tuấn Anh cũng là phá lên cười. "Mình thấy cô ấy đáng yêu và quên ngay bất đồng trước đó. Hơn nữa, thành ý viết bức thư đã nói lên tất cả rồi", chàng trai cho hay.
Quá trình nàng dâu Tây học tiếng Việt là chủ đề mang lại tiếng cười. Anatasiia như một đứa trẻ đang học nói và hỏi rất nhiều. Một lần Tuấn Anh giải thích cho vợ từ "ý trời" với nghĩa bóng là đen đủi, vận hạn. Ngay hôm sau, đang đi chơi thì gặp hai chiếc xe máy va chạm trên đường, Anatasiia nhanh nhảu thốt lên: Ý trời!. Anh chồng ôm bụng cười nắc nẻ, cô vợ thì ngơ ngác không biết mình sai ở đâu.
Lần khác, nghe ai đó nói đến từ "sợ vợ", Anatasiia về hỏi chồng. Tuấn Anh giải nghĩa xong nhưng lại mất khá nhiều thời gian để nói cho vợ hiểu quan điểm của mình về việc "sợ vợ". "Bản thân tôi sẽ không cho phép sợ vợ, mà giữa chúng tôi là mối quan hệ bình đẳng. Tôi tôn trọng vợ, cả hai không có bí mật gì và không kiểm soát nhau", Tuấn Anh nói.
Sau một năm học tiếng Việt, Anatasiia kết luận "tiếng Việt có rất nhiều từ nhiều lớp nghĩa, khó có thể dịch ra tiếng Anh hay tiếng Nga".
Anastasiia chia sẻ: "Đứa con đến bất ngờ trong niềm sung sướng của cả hai nên cô tạm dừng sự nghiệp". Giai đoạn mới mang bầu, cô hơi "chông chênh" do chưa chuẩn bị tâm lý, mẹ đẻ thì ở xa. Có điều, Tuấn Anh cho thấy mình là một người chồng chu đáo và có trách nhiệm. Anh từ chối nhiều bữa bia rượu, tiếp khách sau giờ làm để về với vợ như một công chức bình thường. Có lái xe riêng, anh vẫn tự mình đưa vợ đi tập yoga hay khám thai. "Anh ấy còn tìm được một bác sĩ người Nga để theo dõi thai kỳ cho tôi", cô chia sẻ.
Bốn tháng đầu cô bị nghén, ăn ít và chỉ ăn đồ Nga. Hết nghén, cô bỗng đâm nghiện tôm rim, nem rán, canh cua cà pháo hay cá nấu chua của mẹ chồng. Có lần ở Hà Nội hơn chục ngày chưa về quê, Anastasiia đã thốt lên: "Chúa ơi, em nhớ cơm mẹ nấu".
Bà Bùi Thị Liên, mẹ Tuấn Anh chia sẻ thêm, ban đầu biết con trai yêu cô gái ngoại quốc, bà không ủng hộ bởi lo lắng không thể nói chuyện được với con dâu. Đến khi cô về ra mắt, chồng bà vô cùng quý và tự hào. Bà cũng thấy được nàng dâu thân thiện và chủ động học tiếng Việt. Giờ thì bà và nàng dâu có thể giao tiếp với nhau cơ bản. "Vì cùng chăm em bé mà hai mẹ con ríu rít với nhau cả ngày", bà nói.
Sống ở quê chồng nửa năm, Anastasiia càng thêm quyến luyến. Mỗi ngày cô bồng con ra trước nhà hóng nắng, chào hỏi người qua lại. Cô cũng có một chiếc xe máy, nhiều hôm đèo mẹ đi chợ quê.
"Tôi đã 'Việt hóa' cô ấy được khoảng 50%, còn lại tôi chấp nhận sống theo văn hóa của vợ và sự kết hợp đó thật tuyệt vời. Chúng tôi có được cuộc sống mà mình mong muốn", Tuấn Anh chia sẻ.
Phan Dương