"Trong hai năm qua, số ca nhiễm luôn là dấu hiệu báo trước của ca nhập viện và tử vong vì Covid-19, nên có thể nhìn vào số ca nhiễm để dự đoán tình hình dịch. Chủng Omicron đã thay đổi điều này. Đó là thay đổi mà chúng ta đã chờ đợi theo nhiều cách", Ashish K. Jha, hiệu trưởng Trường Y tế Công cộng thuộc Đại học Brown, nói trong cuộc phỏng vấn với đài ABC hôm qua.
Tiến sĩ Katherine Poehling, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Y tế Wake Forest Baptist ở Bắc Carolina, tuần trước cho biết bằng chứng sơ bộ cho thấy phần lớn những người đã tiêm vaccine khi nhiễm Omicron thường chỉ có triệu chứng nhẹ tương tự cảm cúm.
Jha, bác sĩ người Mỹ gốc Ấn Độ từng là chuyên gia y tế của Đại học Harvard, cho rằng Mỹ đã chuyển sang trạng thái mới, khi những người đã được tiêm vaccine Covid-19, đặc biệt là những người tiêm mũi tăng cường, sẽ hồi phục mạnh mẽ nếu nhiễm nCoV.
"Điều này rất khác những gì chúng ta thấy trước đây. Vì vậy, tôi không cho rằng ca nhiễm nCoV nên là thước đo chính cho đại dịch", Jha nói.
Chuyên gia Mỹ nói thêm điều quan trọng là giới chức y tế phải tập trung theo dõi những người chưa tiêm vaccine Covid-19, vì "đó sẽ là những người phải nhập viện".
Trong bối cảnh Omicron đang trở thành chủng trội ở Mỹ và khiến số ca nhiễm gia tăng nhanh chóng, ông nhấn mạnh nên tập trung vào các ca nhập viện và tử vong do virus.
Tổng Y sĩ Mỹ Vivek Murthy cùng ngày cũng cho biết ông lạc quan rằng quốc gia này đang có khả năng đánh bại Covid-19 tốt hơn so với lúc dịch mới bùng phát, khi đã nâng cao năng lực xét nghiệm và tiêm chủng.
Ca nhiễm nCoV khắp nước Mỹ cũng như toàn cầu đang liên tục tăng cao, được cho là do biến chủng Omicron gây ra. Mỹ đang là vùng dịch lớn nhất thế giới với hơn 53 triệu người nhiễm, trong đó hơn 830.000 người đã tử vong, chiếm khoảng 1,5%. Nước này đã tiêm đủ liều vaccine cho 61,7% dân số, nhưng vẫn còn hàng chục triệu người bài xích tiêm chủng và ngần ngại vaccine.
Ngọc Ánh (Theo Hill)