Biến chủng Omicron đang khiến đồ thị ca nhiễm mới tăng thẳng đứng tại nhiều thành phố ở Mỹ, trong đó số trường hợp nhiễm nCoV mới tăng gấp đôi sau 2-3 ngày. Ca nhiễm trung bình hàng ngày tại Mỹ hiện là 168.409, vượt qua mức đỉnh 164.418 trong làn sóng lây nhiễm do biến chủng Delta.
Giới chức Mỹ nhận định ca nhiễm mới trung bình có thể vượt mức kỷ lục 251.232 ghi nhận hồi đầu năm nay, cảnh báo nước này đang đối mặt với kịch bản một triệu ca nhiễm mỗi ngày trước khi kết thúc năm 2021.
Có một số dấu hiệu lạc quan tại Anh và Nam Phi cho thấy Omicron gây triệu chứng nhẹ hơn các biến chủng trước, nhưng giới chức Mỹ vẫn lo ngại nguy cơ nó nhanh chóng gây quá tải hệ thống y tế và khiến dịch bệnh bùng phát trong nhiều cộng đồng dân cư. Soumya Swaminathan, nhà khoa học hàng đầu của WHO, hôm 20/12 khẳng định sẽ "không khôn ngoan" khi cho rằng Omicron là biến thể chỉ gây triệu chứng nhẹ.
"Khi có hàng triệu, hàng triệu người đau ốm cùng thời điểm, không khó để một phần nhỏ trong số này khiến hệ thống chăm sóc sức khỏe bị vỡ trận", bác sĩ Hallie Prescott, phó giáo sư ngành nội khoa ở Đại học Michigan, cảnh báo.
Nhiều bệnh viện trên khắp nước Mỹ đang đứng bên bờ vực quá tải, với các khoa điều trị kín bệnh nhân nhiễm chủng Delta hoặc người mắc bệnh khác đang trong tình trạng nghiêm trọng do phải chờ đợi quá lâu mới được điều trị. Nhiều cơ sở điều trị đã phải hủy các cuộc phẫu thuật theo yêu cầu để giảm áp lực, trong khi một số bệnh viện ở bang Massachusetts phải đưa giường điều trị tích cực (ICU) đến khu cấp cứu vì thiếu chỗ.
Quản lý các bệnh viện cho biết nhân viên y tế đã kiệt sức và quá tải, tình trạng thiếu hụt nhân lực càng làm tình hình trầm trọng hơn. Nhiều bang đã phải huy động Vệ binh Quốc gia hỗ trợ, Tổng thống Joe Biden cũng tuyên bố sẽ triển khai thêm quân nhân giúp đỡ các bệnh viện quá tải.
Các chuyên gia y tế lo ngại hàng triệu người từ chối tiêm chủng hoặc chưa tiêm liều vaccine tăng cường tại Mỹ đang gặp nguy hiểm trước Omicron. Biến chủng này được cho là có khả năng né tránh phản ứng miễn dịch từ tiêm chủng và những lần mắc Covid-19 trước. Một số nghiên cứu sơ bộ cho thấy tiêm mũi tăng cường là biện pháp bảo vệ tốt nhất hiện nay, trong khi tiêm đủ liều vaccine thông thường vẫn bảo đảm hạn chế nguy cơ nhập viện và tử vong.
Gần 62% dân số Mỹ đã được tiêm chủng đầy đủ, trong khi 19% đã tiêm mũi vaccine tăng cường. Tỷ lệ phủ vaccine tại các bang khá chênh lệch, trong đó thấp nhất ở các bang miền nam. Sự nghi ngại với vaccine khiến Mỹ đang đi sau nhiều nước về độ phủ tiêm chủng.
Mỹ hiện là vùng dịch lớn nhất thế giới với gần 53 triệu ca nhiễm và hơn 834.000 ca tử vong.
Vũ Anh (Theo NY Times)