Sau một mùa hè mở cửa, nhiều nước châu Âu gần đây thực hiện hàng loạt biện pháp chống dịch quyết liệt như áp hạn chế với người chưa tiêm chủng hay đóng cửa sớm nhà hàng và quán bar, khi diễn biến Covid-19 ở châu lục có chiều hướng phức tạp.
Châu Âu hiện báo cáo số ca nhiễm mỗi ngày cao hơn so với thời điểm dịch mới bùng phát. Ca nhiễm tăng chỉ từ hơn 100.000 một ngày hồi tháng 9 lên gần 400.000 hồi tuần trước, theo Reuters. Andrea Ammon, giám đốc Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh châu Âu, cảnh báo số ca Covid-19 sẽ tiếp tục tăng, khi các nước bước vào kỳ nghỉ Giáng sinh và năm mới.
"Trong những tuần tới, số ca nhiễm, tử vong, nhập viện hay phải chăm sóc đặc biệt sẽ ngày càng tăng", Ammon cho biết tại một cuộc họp của các bộ trưởng y tế EU ở Brussels, Bỉ, hồi tuần trước. "Biến chủng Omicron làm cho tình hình thậm chí còn tồi tệ hơn".
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong báo cáo công bố ngày 12/12 cho hay "nguy cơ tổng thể liên quan tới biến chủng Omicron vẫn ở mức rất cao". Theo báo cáo, một số dấu hiệu cho thấy những người đã tiêm chủng hoặc từng mắc Covid-19 có thể không tạo đủ kháng thể để ngăn Omicron, dẫn đến tỷ lệ lây nhiễm cao và "những hậu quả nghiêm trọng".
Tuy nhiên, WHO cũng lưu ý còn nhiều điều chưa rõ ràng về Omicron. Các đánh giá sơ bộ cho thấy Omicron gây triệu chứng nhẹ hơn Delta, nhưng vẫn cần thêm dữ liệu để xác định độc lực thực sự của nó.
Bên kia bờ Đại Tây Dương, số ca nhiễm và tử vong vì Covid-19 đang gia tăng trên khắp nước Mỹ, trước cả khi biến chủng Omicron xuất hiện, theo thống kê tuần trước của trang Axios. Số ca nhiễm trung bình hàng ngày đã tăng lên gần 120.000 so với mức gần 95.000 được ghi nhận vào ngày 22/11. Số ca nhập viện liên quan đến Covid-19 cũng tăng 25% so với một tháng trước và số ca tử vong trung bình hàng ngày ở mức 1.200.
Theo giới chuyên gia, số ca nhiễm gia tăng ở châu Âu và Mỹ là những dấu hiệu đáng lo ngại, nhưng cũng cần phản ứng thận trọng, tránh hoảng loạn. Tiến sĩ Isaac Bogoch, giảng viên về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Toronto, Canada, cho biết cần "rất nhiều dữ liệu để thực sự định hình được diễn biến của đại dịch", không chỉ dựa vào số ca nhiễm.
Theo ông, theo dõi số ca nhập viện và khả năng đáp ứng của hệ thống bệnh viện là "cực kỳ quan trọng", đặc biệt ở những nơi chỉ có số lượng giường chăm sóc tích cực (ICU) hạn chế.
"Số ca nhiễm chỉ là một trong các thước đo. Chúng ta cần đặt nó bên cạnh các chỉ báo khác như số ca trung bình 7 ngày, tỷ lệ kết quả dương tính trên tổng số xét nghiệm, khả năng đáp ứng của bệnh viện, số bệnh nhân nhập viện, số ca tử vong trong phòng chăm sóc đặc biệt và cả hệ số lây nhiễm R, để xác định đại dịch đang tăng hay giảm", Bogoch nói.
Hệ số lây nhiễm R là số người bị lây nCoV từ một người mắc bệnh. nCoV có hệ số R bằng khoảng 3 nếu không có bất kỳ biện pháp nào được thực hiện để ngăn nó lây lan.
"Không một thông số riêng lẻ nào có thể phản ánh bức tranh toàn cảnh của đại dịch", Bogoch cho hay. "Chúng tôi không muốn chú trọng quá mức hay xem nhẹ bất kỳ chỉ số nào. Chúng ta cần đánh giá tất cả và đặt chúng vào bối cảnh thích hợp để có bức tranh rõ hơn về những gì thực sự xảy ra".
Bác sĩ Jennifer Kwan cũng đồng ý với quan điểm của Bogoch. "Tôi luôn lưu ý rằng tất cả các chỉ số đều quan trọng, bởi chúng cho chúng ta thấy những phần khác nhau của bức tranh, những góc nhìn khác nhau", bà nói.
Kwan, người cung cấp thông tin cập nhật về tình hình Covid-19 ở tỉnh Ontario, Canada, trên Twitter mỗi ngày, cho rằng số ca nhiễm tăng hay giảm là chỉ dấu quan trọng, bởi nó là "một dấu hiệu cảnh báo sớm".
"Các số liệu khác như số ca nhập viện, số ca phải chăm sóc đặc biệt hay số người tử vong sẽ mất nhiều thời gian hơn để ghi nhận", Kwan cho hay. "Nếu chúng ta chỉ phản ứng khi số ca nhập viện và tử vong gia tăng, lúc đó sẽ là quá muộn".
Tuy nhiên, Kwan nhấn mạnh "vẫn phải đánh giá tình hình dịch từ tất cả các chỉ số" và không nên có thái độ hoang mang khi chứng kiến ca nhiễm tăng, trong khi các số liệu khác vẫn ổn định.
"Tỷ lệ xét nghiệm dương tính nhìn chung thường tăng trước khi số ca nhiễm tăng. Vì thế, đây thậm chí còn là dấu hiệu cảnh báo sớm hơn", bà nói. Mặt khác, nếu tính về lâu dài, số ca tử vong liên quan đến Covid-19 mới là "thước đo chính xác hơn" so với số ca nhiễm.
Theo bà, khi đại dịch mới bùng phát, năng lực xét nghiệm của các nước thường chưa đủ đáp ứng nên số ca nhiễm thực tế có thể chưa được ghi nhận chính xác. "Trong suốt đại dịch, những yêu cầu hoặc khuyến nghị về xét nghiệm cũng liên tục thay đổi," ảnh hưởng đến tính chính xác của tỷ lệ dương tính trên số ca xét nghiệm, bà nói.
Bởi vậy, số ca tử vong do Covid-19 sẽ mang đến "chỉ báo rõ ràng và nhất quán hơn", giúp các nhà nghiên cứu hiểu rõ hơn mức độ nghiêm trọng của từng đợt bùng phát dịch.
Tiến sĩ Sumon Chakrabarti, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại hệ thống bệnh viện Trillium Health Partners, cho rằng số ca bệnh diễn tiến nặng và phải nhập viện là chỉ báo quan trọng vì chúng mang đến nhận thức đầu tiên về những gì đang diễn ra, song giới chức y tế các nước không thể chỉ dựa vào chúng để nắm bắt diễn biến đại dịch.
"Bạn không thể nhìn vào một hay hai chỉ số nào đó để hiểu được toàn bộ câu chuyện", ông nói. "Chúng ta còn phải đánh giá bối cảnh cụ thể của từng nơi".
Chakrabarti lấy ví dụ ở khu vực Đại Toronto (GTA), vùng đô thị đông dân nhất Canada. "Một phần lý do khiến GTA chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh là ở đây có dân số lớn và tập trung nhiều ngành sản xuất", ông giải thích. "Tất cả những nơi làm việc mật độ cao này đều nằm trong một khu vực địa lý, với những lao động sống trong các gia đình thực sự đông đúc".
Ở những nơi khác, như Bờ Đông Canada, không gặp vấn đề tương tự nên tình hình dịch bệnh không nghiêm trọng bằng.
Theo Chakrabarti, các con số như ca nhiễm, tỷ lệ xét nghiệm dương tính không thể phản ánh những đặc điểm như trong dẫn chứng ở GTA.
"Mọi người luôn nhìn vào những con số, nhưng tôi nghĩ điều quan trọng là chúng ta cần nhận ra rằng các con số đó đã và đang tác động quá lớn đến cuộc sống của mình suốt hai năm qua", ông nói. "Thật tệ, bởi mọi người đều đưa ra quyết định dựa trên chúng, trong khi chúng thực tế không chính xác".
Chakrabarti cho hay thông điệp chính ông muốn truyền tải là "bạn phải hiểu rõ bối cảnh" thì mới có thể hiểu đại dịch đang diễn ra như thế nào. "Điều đó thường không được phản ánh đầy đủ chỉ bởi những con số".
Vũ Hoàng (Theo Reuters, CTV News, Bloomberg)