"Đã là căn hộ để ở thì nên cấm tuyệt đối việc cho thuê theo giờ, cho thuê ngắn hạn làm Airbnb, vì đó là chức năng của khách sạn, nhà nghỉ. Căn hộ chỉ có thể cho thuê dài hạn 6-12 tháng trở lên và có đăng ký rõ ràng. Các quy định của luật cũng nên thay đổi và có tầm nhìn xa trước sự phát triển của các hình thức kinh doanh mới đang phát triển.
Ồn ào hay gì đó thì dĩ nhiên ở ngắn hạn hay dài hạn cũng có. Nhưng khác ở chỗ cho thuê dài hạn, BQL chung cư sẽ có chế tài quản lý theo nội quy chung. Còn cho thuê theo giờ, ngắn ngày sẽ rất khó quản, khách thuê thường không quan tâm, tha hồ quậy phá, làm bầy hầy đủ thứ. Nói chung, tùy chung cư có kỷ luật, nội quy nghiêm hay không? Chỗ nào nghiêm, quản lý tốt thì có môi trường an ninh, an toàn, còn chỗ nào thoáng, ẩu, quản lý kém thì ngược lại".
Đó là quan điểm của độc giả Nam Le trước tình trạng "Chung cư náo loạn vì dịch vụ cho thuê ngắn ngày". Mô hình này không mới nhưng đặc biệt bùng phát từ giữa năm 2022, thời điểm ngành du lịch bắt đầu mở cửa. Trào lưu kinh doanh dịch vụ lưu trú ngắn ngày qua Airbnb tại chung cư phổ biến tại TP HCM và Hà Nội. Nắm bắt được nhu cầu, nhiều nhà đầu tư đã đổ xô đi thuê chung cư rồi kinh doanh lưu trú ngắn hạn qua Airbnb (hay còn gọi là host).
Cùng chung tâm trạng bức xúc khi cuộc sống của gia đình bị đảo lộn vì dịch vụ cho thuê chung cư ngắn ngày, độc giả Toản VNT bình luận: "Chung cư ở chỗ tôi cứ cuối tuần là chỗ đỗ xe cũng không còn nữa. Người lạ đến thuê phòng cứ ra vào loạn xạ ý như cái nhà nghỉ, mất an toàn. Họ còn ăn nhậu, hát hò ầm ĩ như cái chợ. Không quản lý được hoạt động kinh doanh này nên người ta thích cho ai vào thì cho. Chỉ có cư dân chúng tôi là chịu khổ".
Trong khi đó, cho rằng khó cấm tuyệt đối mô hình Airbnb, bạn đọc Miền Quê Tui nhận định: "Đã là chung cư hay nhà riêng thì việc cho thuê không bị pháp luật cấm. Việc quan trọng ở đây là thuê chung cư phải có giấy tạm trú, đăng ký đàng hoàng thì không ai làm gì được. Cái này thì ban quản lý chung cư cứ thấy căn nào khả nghi thì chỉ cần báo với dân phòng lên kiểm tra giấy tờ tạm vắng, tạm trú là được. Nếu không có thì cứ phạt cả chủ nhà và khách thuê, như vậy sẽ chẳng ai dám thuê nữa. Cái cốt lõi vẫn là quản lý cư trú thôi. Chứ pháp luật không thể cấm việc cho thuê, hay đi thuê nhà được".
>> Tôi sống ở chung cư tưởng sướng thành khổ
Nói về mô hình cho thuê căn hộ chung cư ngắn ngày, độc giả Tommy.mc.crasher gợi ý những thay đổi trong quản lý: "Theo tôi, Nhà nước cần có biện pháp quản lý hoạt động này cho phù hợp. Ví dụ chung cư giá rẻ hoặc quy định số chủ đầu tư chung cư cam kết khách hàng không được cho thuê ngắn ngày, thậm chí không cho thuê dưới sáu tháng. được thì mua, không thì thôi. Hay khuyến khích đầu tư cụm chung cư chuyên cho thuê, mỗi tầng một phong cách, khi đó có thể chung cư ấy sẽ thành khu ăn chơi, nghỉ dưỡng phức hợp, vừa giảm giá đầu tư, lại sinh lời nhanh...".
Nhận mạnh tầm quan trọng của việc siết chặt hoạt động mô hình Airbnb để lập lại trật tự tại các chung cư, bạn đọc Mai Tiến Dũng kết lại: "Kinh doanh AirBnB trong chung cư phải đăng ký và có điều kiện để quản lý an toàn, không ảnh hưởng sinh hoạt cư dân. Rất cần có mô hình và quy định cần thiết cho hoạt động này. Người kinh doanh AirBnB phải đăng ký kinh doanh hợp pháp, đăng ký hoạt động với BQL, chịu trách nhiệm quản lý khách, tuân thủ các quy định chung cư, đóng phí sử dụng kinh doanh dịch vụ chung cư... Xã hội có nhu cầu thì phải có mô hình và quy định phù hợp để quản lý".
- Tôi không muốn quay lại nhà mặt đất sau khi sống chung cư
- Sống khổ ở chung cư vì ban quản trị có như không
- Nghịch lý 'chung cư mới bán một nửa đã hết chỗ để ôtô'
- Karaoke 'tra tấn' đeo bám tôi từ nhà mặt đất lên chung cư
- Tranh cãi 'cấm nuôi chó, mèo ở chung cư'
- Bất lực vì tiếng ồn trong chung cư văn hóa