Trả lời:
Về cơ bản, đồ dùng cá nhân của bệnh nhân ở bệnh viện dã chiến đều được nhân viên y tế cố gắng cấp phát đầy đủ. Tuy nhiên, do số lượng bệnh nhân ngày càng tăng, lượng công việc nhiều, nhiều nhân viên y tế bị quá tải, do đó các bệnh nhân nhẹ nên tự chuẩn bị một số thứ sau:
- Đồ dùng cá nhân: Vài bộ quần áo, dầu gội đầu, kem đánh răng, lược... cố gắng tối giản. Hiện vào mùa mưa nên nhớ mang kem thoa muỗi, đuổi côn trùng.
- Nước và thức ăn: Đến bệnh viện dã chiến thì sẽ được cấp phát nước và thức ăn, nhưng khoảng thời gian chờ đợi có thể lâu. Do đó có thể chủ động mang theo các thức ăn khô, nước.
- Trang bị phòng hộ cá nhân: Nên chuẩn bị khẩu trang y tế đầy đủ và nếu được tự trang bị tấm chắn faceshield để ngăn giọt bắn.
- Các loại thuốc, vitamin C: Nếu có sẵn thuốc hạ sốt, dung dịch bù nước oresol, vitamin C... thì mang theo. Tuy nhiên không nên dự trữ hay tự ý sử dụng các loại này, cần tham khảo theo ý kiến của nhân viên y tế. Việc tự ý sử dụng thuốc hạ sốt quá liều có thể dẫn đến các tác dụng phụ như suy gan.
- Với trẻ em nhỏ thì người nhà mang theo sữa, bình sữa, tã, bình giữ nhiệt, các vật dụng cần thiết cho bé.
Trong thời gian điều trị tại bệnh viện dã chiến sẽ có nhân viên y tế theo dõi và kiểm tra định kỳ. Tuy nhiên người bệnh nên ghi nhớ một số dấu hiệu diễn tiến bệnh, để gọi nhân viên y tế hỗ trợ khẩn cấp cho mình hoặc người cùng phòng trong các trường hợp sau:
- Rối loạn tri giác: Dấu hiệu là bất tỉnh, ngủ li bì gọi không dậy, hoặc kích động đập phá.
- Rối loạn hô hấp: Dấu hiệu là khó thở, mệt nhiều dù đang nghỉ, nghi ngờ ngưng thở...
- Rối loạn tuần hoàn: Chóng mặt, đau vùng tim, da xanh xao bất thường...
Bác sĩ Vũ Đức Hiếu
Khoa Hồi sức Cấp cứu, Bệnh viện Quân y 175