Bác sĩ Trần Thị Ngọc Anh (Khoa Nội tiết, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - TP HCM), cho biết trong những nguyên nhân chậm tăng chiều cao ở trẻ, thiếu hormone tăng trưởng là nguyên nhân quan trọng nhưng rất khó nhận biết.
Trẻ chậm cao do thiếu hormone tăng trưởng phải được khám và chẩn đoán bởi các bác sĩ nội tiết nhi. Khi xác định đúng nguyên nhân này, bác sĩ sẽ tư vấn điều trị bổ sung, tốt nhất là điều trị trong khoảng độ tuổi từ 4 đến 13. "Các chế phẩm hormone tăng trưởng người hiện nay là một loại hormone tái tổ hợp, sử dụng bằng đường tiêm dưới da với dụng cụ tiêm đặc biệt", bác sĩ Ngọc Anh cho biết.
Mục tiêu của việc điều trị này là để thay thế thiếu hụt hormone tăng trưởng cho sự phát triển chiều cao, các hoạt động chuyển hóa và tình trạng sức khỏe của trẻ. Trẻ đáp ứng với điều trị sẽ tăng chiều cao 8-12 cm một năm. Khi đến tuổi dậy thì, trẻ được đánh giá lại xem có tiếp tục bổ sung hormone tăng trưởng hay ngưng bổ sung.
Theo bác sĩ Ngọc Anh, các nghiên cứu cho thấy việc điều trị với hormone tăng trưởng ở trẻ khá an toàn. Những năm gần đây, với công nghệ hiện đại, việc sử dụng thuốc ngày càng dễ dàng, đơn giản hơn cũng như ít tác dụng phụ. Một số ảnh hưởng cấp tính có thể xảy ra như tình trạng đau đầu, đau các khớp, đau cơ (các triệu chứng này thường lành tính, giảm hoặc biến mất khi giảm liều thuốc hoặc ngưng điều trị). Ngoài ra, trẻ có thể có các phản ứng dị ứng nhẹ như sưng tại vị trí tiêm, nổi mẩn ngứa hoặc phát ban.
Tác dụng phụ nghiêm trọng hơn như trượt chỏm xương đùi, vẹo cột sống nặng hơn (trên trẻ có tình trạng vẹo cột sống trước đó) thường rất hiếm gặp và có liên quan đến các hoạt động thể chất mạnh. Về lâu dài, trẻ chậm tăng trưởng do thiếu hormone tăng trưởng không kèm các yếu tố nguy cơ khác, điều trị bằng hormone tăng trưởng không làm tăng nguy cơ bệnh bạch cầu hay các loại ung thư khác khi so sánh với dân số chung cùng độ tuổi. Bổ sung hormone tăng trưởng còn được chỉ định điều trị trong trường hợp trẻ chậm cao do suy thận mạn, hội chứng Turner, hội chứng Prader-Willi, trẻ sinh ra chiều cao thấp so với tuổi thai, chậm tăng trưởng vô căn.
Bác sĩ lưu ý tuân thủ đúng và đầy đủ các hướng dẫn điều trị như thao tác tiêm thuốc, thời gian tiêm, liều lượng thuốc là rất quan trọng. Phụ huynh nên đưa trẻ tái khám định kỳ theo hướng dẫn để điều chỉnh thuốc theo đáp ứng tăng trưởng, đánh giá các tác dụng phụ phát sinh.
Phụ huynh cho trẻ có các vận động thể chất phù hợp, chế độ dinh dưỡng hợp lý, ngủ sớm và đủ giấc. "Điều trị chậm tăng trưởng do thiếu hormone tăng trưởng là một quá trình lâu dài, có thể kéo dài nhiều năm, do đó cả bác sĩ lẫn bệnh nhân đều cần kiên trì, đồng hành sát sao để mang lại kết quả tốt nhất", bác sĩ Ngọc Anh khuyến cáo.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương đang tầm soát miễn phí nguy cơ chậm tăng trưởng chiều cao cho trẻ chưa dậy thì, so với độ tuổi. Bác sĩ khám miễn phí vào sáng thứ bảy, chủ nhật hàng tuần từ ngày 11 đến 26/12, đăng ký qua điện thoại 0786709375 trước ngày 19/12. Đến nay bệnh viện đã chẩn đoán và điều trị thành công cho hàng trăm trường hợp chậm tăng trưởng do thiếu hormone tăng trưởng.