Bác sĩ Khoa Nội tiết khám miễn phí vào sáng thứ bảy, chủ nhật hàng tuần từ ngày 11 đến 26/12, đăng ký qua điện thoại 0786709375 từ nay đến ngày 19/12. Phụ huynh và trẻ (trên 12 tuổi) đến khám phải tiêm đủ hai mũi vaccine Covid-19, trong đó mũi hai đủ 14 ngày tính từ lúc tiêm đến thời điểm khám.
Bác sĩ tìm hiểu tiền sử lúc sinh, các bệnh lý, tiền sử gia đình, tốc độ tăng chiều cao, thăm khám lâm sàng, đánh giá tăng trưởng, chụp X-quang xương bàn tay khi có chỉ định để được đánh giá tuổi xương. Trường hợp nghi ngờ chậm tăng trưởng chiều cao sẽ được hướng dẫn xử trí.
Đây là năm thứ 5 bệnh viện tầm soát, theo dõi các bất thường về tăng trưởng chiều cao ở trẻ em trước dậy thì, đặc biệt do rối loạn thiếu hormone tăng trưởng, để có hướng điều trị kịp thời. Sau 4 năm triển khai, chương trình đã tầm soát miễn phí cho hơn 1.500 trẻ, trong đó 120 trẻ được chẩn đoán thiếu hormone tăng trưởng.
Tiến sĩ, bác sĩ Lê Cao Phương Duy, Phó Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, cho biết trong những nguyên nhân chậm tăng chiều cao ở trẻ, thiếu hormone tăng trưởng là nguyên nhân quan trọng nhưng rất khó nhận biết.
Quá trình tăng trưởng chiều cao của trẻ được chia thành nhiều giai đoạn, trong đó hai giai đoạn sự tăng trưởng chiều cao vượt trội là 0-2 tuổi và tuổi dậy thì. Thông thường, từ 4 tuổi trở đi, phụ huynh cần chú ý nhiều hơn đến tốc độ tăng trưởng chiều cao của trẻ. Nếu chiều cao của bé tăng chậm hơn 4-6 cm mỗi năm hoặc luôn nằm gần đường cong thấp nhất so với độ tuổi theo biểu đồ tăng trưởng chiều cao, nên cho bé khám sớm để tìm nguyên nhân.
Trẻ chậm cao do thiếu hormone tăng trưởng cần điều trị trước khi trẻ dậy thì, tốt nhất trong "giai đoạn vàng" 4-13 tuổi. Nếu không được điều trị, trẻ có chiều cao trung bình chỉ 135-145 cm, thấp hơn nhiều so với chiều cao tối đa có thể đạt được.
Bác sĩ Trần Thị Ngọc Anh (Khoa Nội tiết, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương) cho biết nếu điều trị sớm, trẻ có thể bắt kịp tăng trưởng của các trẻ bình thường và hầu như sẽ đạt được chiều cao tối đa lúc trưởng thành theo di truyền của từng trẻ. Nếu để qua tuổi dậy thì, thường là sau 13 tuổi, khi các sụn xương trẻ đóng lại, việc điều trị không còn hiệu quả nữa. Đến nay, bệnh viện đã chẩn đoán và điều trị thành công cho hàng trăm trường hợp chậm cao do thiếu hormone tăng trưởng.
Trẻ điều trị cần tuân thủ thao tác tiêm thuốc, thời gian tiêm, liều lượng thuốc, khám định kỳ 3-6 tháng một lần, theo dõi tác dụng phụ. Ngoài ra, trẻ có các vận động thể chất phù hợp, chế độ dinh dưỡng hợp lý, ngủ sớm và đủ giấc.