Hôm nay là ngày nghỉ, cũng đang là dịp đầu xuân năm mới, nên tôi tranh thủ đi chùa để lễ Phật và cầu mong những điều tốt đẹp, bình an cho mọi người trong gia đình. Thế nhưng, cảnh tượng đầu tiên đập vào mắt tôi là có rất nhiều hàng quán xung quanh cổng chùa được bầy bán la liệt đồ lễ cho du khách. Nào là hoa quả, xôi oản, vàng, hương, các loại sớ xanh đỏ tím vàng, các loại vòng tràng hạt xâu chuỗi nhìn rất bắt mắt... cho đến chim, rùa, cá, ốc nằm phơi mình trong những chiếc chậu nhỏ được bày bán ngay trước lối vào.
Cùng với đó là những lời mời chào không ngớt của những người bán hàng và những "ông đồ" mặc áo dài đỏ, đầu quấn khăn ngồi viết sớ giải hạn. Rồi có cả lời mời mua xổ số bóc, xổ số cào trúng thưởng ngay tại trận. Có cả mấy cô mời chào xem bói, xem quẻ tử vi đầu năm...
Trong tâm thế đi chùa lễ Phật và vãn cảnh là chính nên tôi không mua bán gì ngoài một thẻ hương. Tôi nhanh chóng bước qua khu bán hàng để vào bên trong chùa. Vào đến sân chùa, tôi thấy có cả hàng nghìn người chen lấn, đi lại rất lộn xộn. Ai ai cũng cầm trong tay hoa quả, đồ lễ, tiền lẻ. Có người bê nguyên cả một mâm đồ lễ gồm cả xôi gà gậm bông hoa hồng đỏ, có người đội lên đầu để luồn lách qua đám đông trước khi đặt lên ban thờ.
Có người cầm trên tay cả bó hương đang bốc cháy nghi ngút để chen cắm vào các bát hương. Nhiều người già, cũng có không ít người trẻ, và cả trẻ em cứ thế nối đuôi nhau, vai kề vai, đầu sát đầu ,thi nhau đứng chắp tay để khấn vái xì xụp.
Ở một góc sân chùa là chỗ để hóa vàng mã, mọi người thi nhau đốt, cả cầm, cả ném. Những tệp vàng mã chưa kịp cháy nằm chồng lên nhau tạo ra một lượng khói dày đặc. Thi thoảng, có những cơn gió nhẹ thổi qua làm ngọn lửa bùng lên và tàn hương, tro bụi lại bay tung tóe khắp sân, dính bám đầy vào quần áo và đầu tóc của du khách thập phương vào lễ chùa.
Len lỏi mãi, tôi cũng chọn cho mình được một chỗ đứng, cầm trên tay tờ tiền nhưng cũng không thể đưa lên trước ngực để chắp tay khấn lạy được như mọi khi vì lượng người quá đông. Thế nên, tôi đành lẩm nhẩm trong lòng: "Xin Đức Phật xá tội, vì đông quá nên con xin ra về".
Đầu xuân năm mới, mọi người thường có tâm lý đi chùa lễ Phật để cầu mong được may mắn, khỏe mạnh và hạnh phúc, làm ăn phát tài phát lộc, gia đình được an khang, thịnh vượng. Đó cũng là một nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc. Với tôi, đi chùa chỉ vãn cảnh và lễ Phật, tỏ lòng thành kính rồi tự hứa với bản thân mình luôn cố gắng làm việc hết mình, vị tha, yêu thương, giúp đỡ người khác khi mình có điều kiện và đi chùa để tìm sự bình an, thanh tịnh trong tiết trời xuân đang phơi phới.
Thế nhưng, trái lại với tâm thế đó, đi chùa những ngày này, tôi chỉ thấy sự chen lấn, xô đẩy và hít vào trong người những làn khói độc từ vô vàn các loại mùi hương, từ những loại hóa chất mà người ta đã nhuộm vàng, nhuộm đỏ trong những tập vàng mã.
Tôi quan sát xung quanh chùa thấy rất nhiều cụ bà, cụ ông có lẽ từ các tỉnh xa về Hà Nội du xuân đầu năm mới. Có cụ đứng, cụ ngồi trông rất mệt mỏi với đủ các loại túi, ba lô lỉnh kỉnh, kèm theo hoa héo, quả bị dập nát. Ở một góc khác tôi lại nghe thấy tiếng cãi nhau của một nhóm người vì "thất lạc" đồ lễ. Người thì đổ lỗi không đứng quan sát đồ, người lại trách móc "sao không làm dấu mâm lễ cho dễ dàng nhận diện". Có lẽ vì lượng người đặt lễ quá đông nên ai đó đã vô tình bê nhầm cả mâm lễ dẫn đến cãi nhau.
Cũng ở một góc khác, có cô gái hét toáng lên vì sơ ý để tàn hương bén vào tóc làm cháy khét lẹt. Lại có trường hợp kêu la bị móc túi. Rồi người ta cãi vã, chửi thề những điều không đáng có ở chốn linh thiêng. Và rất nhiều chuyện không hay xảy ra xung quanh việc đi lễ chùa đầu năm.
Với tôi, không quan trọng ngày lễ, Tết, mỗi khi rảnh rỗi tôi đều tranh thủ đến chùa. Tôi đến không mong cầu gì hơn ngoài được thong dong thắp một nén nhang trầm thơm ngát để tìm thấy sự bình yên trong từng tiếng gõ mõ và được nghe thấy tiếng chim hót líu lo trên những cành cây tỏa hương thơm ngát. Khi ấy, đi chùa mới thực sự có ý nghĩa, được bình yên.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.