Phóng sinh vốn là một thực hành tốt đẹp của giáo lý nhà Phật, nhưng đã bị biến tướng đến mức trái ngược với mục đích nguyên thủy của nó. Khi hoạt động phóng sinh diễn ra nhộn nhịp theo "đơn đặt hàng", tạo thành thị trường mua bán thực sự thì nạn săn bắt động vật phục vụ nhu cầu diễn ra ngày một nghiêm trọng.
Nói về thực trạng bẫy chim phóng sinh mất kiểm soát, độc giả Café chia sẻ: "Nhà tôi kinh doanh cà phê từ sáng tới đêm nên biết rất nhiều người đi bẫy chim chuẩn bị keo, lưới, lồng, loa kèm USB thu âm tiếng chim và còi để thổi. Qua họ, tôi biết thêm rất nhiều về cái nghề đi bẫy chim phóng sinh. Tôi cũng đặt nhiều câu hỏi như bẫy chim thì chim sẽ bị mắc lưới, dính keo và chết thì sao? Các ông thi nhau bẫy rồi chim tuyệt chủng thì sao? Hoặc chim đang bay ngoài thiên nhiên, tự do trên trời, nay bị bắt, bẫy, bỏ lồng bán để người mua đi thả, tỏ vẻ bề ngoài làm phước làm thiện, những đó có phải là bản chất của phóng sinh không?
Có cung ắt có cầu, nghề bẫy chim phóng sinh thực sự cho nhiều người thu nhập rất cao. Chỉ vài vài tiếng từ sáng sớm là họ có thể kiếm bạc triệu. Tháng 7 này, nhu cầu mua chim phóng sinh rất lớn nên chim lại có giá. Nghe họ nói, sáng nào ít nhất cũng phải bẫy được 150 con, có bữa trên 200 con. Giá mùa này các lái mối thu mua lại khoảng 10.000 đồng một con. Bán chim kiếm bạc triệu một ngày đúng là trong tầm tay.
Mấy nay nghe họ nói ở tỉnh đã đặt rất nhiều bảng cấm bẫy bắt chim vì bên đó có nuôi chim yến, họ bẫy nhầm và hay làm chết nên người ta cấm. Nhưng còn rất nhiều các cánh đồng lân cận ở miền Tây... và người ta lại kéo nhau đến đó để săn bắt, bẫy, hoặc giấu lồng vào các bao che đậy. Ở đâu có đồng ruộng thì ở đó sẽ có rất nhiều người bẫy chim vì nhu cầu mua phóng sinh chẳng bao giờ hết. Cái này cần chính quyền địa phương ra tay ngăn chặn, để chim trời được sống, được tự do theo đúng nghĩa đen của chúng".
Đồng quan điểm, bạn đọc Mai Phạm đặt dấu hỏi về ý nghĩa của hoạt động phóng sinh biến tướng: "Tôi thấy mình rất may mắn khi giác ngộ được việc phóng sinh như hiện nay là không phù hợp với ý nghĩa vốn có là giải thoát cho chúng sinh và khiến con người sống tốt hơn. Tôi từng thấy họ hàng gọi điện đặt hàng 100 con chim sẻ để cúng cho người nhà vừa mất. Tôi cũng từng tham gia những buổi phóng sinh trên thuyền với hàng trăm kg cá, cua, ốc, chim... Và cái tôi nhìn thấy là một số con đã không thể trở về cuộc sống vốn có của nó do đã bị kiệt sức, dồn ép...
Tôi đã khuyên họ hàng rằng nếu thực sự muốn phóng sinh có hiệu quả thì chỉ cần nhìn thấy con vật nào đang sắp bị giết hại hay bị hành hạ thì mình ra tay cứu rồi cho chúng cuộc sống tốt đẹp. Như thế mới là 'cứu' đúng nghĩa. Chứ không phải đặt mua để người ta bắt cho mình đi thả, như vậy là vô tình tiếp tay hại chúng chứ không phải cứu".
>> Nhà tôi ba đời không thả cá, đốt vàng mã ngày ông Táo
Bày tỏ lo ngại trước những hệ lụy tiêu cực của việc phóng sinh thời nay, độc giả Hoa Nam nhận định: "Nói là phóng sinh nhưng thực ra nhiều người đang chơi trò 'giải cứu' thì đúng hơn. Nhà tôi ở quê, sáng nào mẹ tôi cũng cho một đàn chim sẻ tự nhiên ăn vào buổi sáng. Có thời gian, tôi thấy đàn chim thưa thớt dần, nhưng không hiểu lý do. Về sau, tôi phát hiện có người bẫy chúng. Họ bán lại cho những nơi phóng sinh. Như thế, phóng sinh thực chất có phải là cứu nạn hay mang nạn đến cho những sinh vật nhỏ bé yếu ớt khác?
Tôi không biết định nghĩa hành động phóng sinh là gì, nhưng tôi nghĩ nó phải là hành động cao cả, khi mà con người vô tình gặp những con vật cần giúp đỡ và giúp chúng thoát khỏi kiếp nạn, chứ không phải đi mua những con vật 'bị ép gặp nạn' để nhân danh cứu giúp chúng. Tôi cũng phản đối hành động mua bán chim trời để ăn thịt hay phóng sinh.
Bạn có thể thả cá giống mua từ trang trại để thay thế hành động thả chim dã man kia. Thả cá giống mang lại niềm tin 'cá hóa rồng' hay thiết thực hơn là tăng thêm nguồn lợi thủy sản cho tự nhiên đang cạn kiệt. Thả cá cũng không nên chọn chép hồng, cam, đỏ, điêu hồng... vì những loài cá này khó sống được lâu trong môi trường tự nhiên (màu sắc sặc sỡ dễ gây hấp dẫn với thiên địch và kẻ thù khác), khi số lượng tăng sẽ tác động đến quần thể tự nhiên hiện hữu trong thủy vực đó".
Nhấn mạnh việc phóng sinh theo phong trào làm lệch đi ý nghĩa nhân văn của hoạt động này, bạn đọc Ta bình luận: "Hàng năm, cứ đến tháng 7 Âm lịch, mùa Vu Lan báo hiếu, con cháu lại thể hiện lòng tôn kinh, biết ơn ông bà, cha mẹ đã sinh ra, nuôi nấng mình nên người; cảm ơn đất trời, vạn vật đã cung cấp lương thực, cây cỏ, hoa trái, cá, tôm... để nuôi sống con người. Mục đích là trả lại cho thiên nhiên những gì con người đã thụ hưởng, nhằm cân bằng sinh thái, tránh khai thác tài nguyên, thiên nhiên quá mức.
Ấy vậy mà lại có tư tưởng, hành động làm lệch đi ý nghĩa nhân văn đó, như: đốt vàng mã cho người đã chết; đặt mua chim, cá (do người ta săn bắt rồi mua lại) để phóng sinh. Việc thiện thiết thực, tạo phước cho chúng ta hôm nay và con cháu mai sau chính là bảo vệ môi trường: không khai thác rừng vô tội vạ, không săn bắt cá, tôm, động vật hoang dã theo kiểu tận diệt; không xả rác, nước thải ra môi trường; không dùng thuốc bảo vệ thực vật tùy tiện; phát triển kinh tế xanh, nông nghiệp xanh; kinh tế tuần hoàn, kinh tế số...".
"Tôi may mắn được sinh sống ở một đất nước mà muốn làm phóng sinh cũng khó vì ở đây không cho buôn bán động vật hoang dã. Chợ cũng không bán con gì sống cả. Dân ở đây cũng không giết hại thú hoang một cách tùy tiện. Cách phóng sinh ở đây là tham gia các hoạt động cứu hộ (chó, mèo, động vật hoang dã), nhận nuôi chó, mèo bị bỏ rơi hoặc ăn chay (gián tiếp làm giảm nguồn cung thịt cá). Chúng ta cần thay đổi cách phóng sinh cho đúng và văn minh hơn", độc giả Hung Pham kết lại.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.