Dựa trên dữ liệu về các "ca nhiễm đột phá", trường hợp nhiễm nCoV sau khi tiêm chủng đầy đầy đủ, do các bang cung cấp, Quỹ Gia đình Kaiser (KFF) nhận thấy số ca nhiễm này là cực kỳ hiếm gặp.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ tới nay chỉ cung cấp dữ liệu về số ca nhiễm đột phá phải nhập viện và tử vong. Theo đó, chưa tới 0,004% người tiêm đủ liều vaccine Covid-19 là ca nhiễm đột phá phải nhập viện và chưa tới 0,001% tử vong. Tỷ lệ này tương đương khoảng 6.000 trường hợp trong tổng số hơn 163 triệu người đã hoàn thành tiêm chủng ở Mỹ.
Khoảng một nửa bang Mỹ báo cáo về ca nhiễm đột phá và dữ liệu tại các bang đều cho thấy chưa tới 1% người tiêm đủ mũi vaccine Covid-19 bị nhiễm virus, dao động từ 0,01% ở Connecticut tới 0,9% ở Oklahoma.
Phân tích của ca KFF cũng chỉ ra hơn 90% số ca nhiễm và hơn 95% số ca nhập viện, tử vong ở các bang đều là những người chưa tiêm chủng hoặc mới tiêm một mũi.
Mỹ ngày 2/8 đạt mục tiêu Tổng thống Joe Biden đề ra là tiêm ít nhất một liều cho 70% dân số, chậm một tháng so với dự kiến ban đầu là ngày 4/7. Nguyên nhân được cho là do tốc độ tiêm chủng chậm, đặc biệt là ở những khu vực bảo thủ ở miền nam và trung tây nước Mỹ, cũng như với những người trẻ tuổi, thu nhập thấp và cộng đồng thiểu số.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, đã báo cáo hơn 35,8 triệu ca nhiễm và gần 630.000 ca tử vong kể từ khi dịch bùng phát. Số ca nhiễm mới hàng ngày ở Mỹ gần đây tăng mạnh do sự xuất hiện của biến chủng Delta dễ lây lan. 33% ca nhiễm mới trên toàn nước Mỹ trong tuần trước được ghi nhận ở bang Florida và Texas.
Thanh Tâm (Theo CNN)