Tổng thống Biden hôm 29/7 ra quy định mới tác động đến hơn 4 triệu người Mỹ, theo đó, các nhân viên liên bang và nhà thầu cả ở Mỹ và nước ngoài phải báo cáo tình trạng tiêm chủng. Những người không tiêm vaccine sẽ không bị sa thải, nhưng họ sẽ phải đối mặt với các hạn chế nhằm khuyến khích họ tiêm vaccine.
Lầu Năm Góc thông báo vào tối 29/7 rằng tất cả quân nhân và nhân viên dân sự sẽ phải chứng thực tình trạng tiêm chủng, những người chưa tiêm bắt buộc phải đeo khẩu trang, giữ khoảng cách với người khác và xét nghiệm thường xuyên. Các lãnh đạo quốc phòng sẽ bắt đầu tham khảo ý kiến của các chuyên gia y tế, cũng như Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, để xác định cách thức và thời điểm đề nghị Biden bổ sung vaccine Covid-19 vào danh sách yêu cầu bắt buộc đối với quân nhân.
Chính quyền Biden đã hy vọng tiêm cho ít nhất 70% dân số vào đầu tháng 7, nhưng nhiều vùng của Mỹ vẫn thờ ơ với vaccine. Khoảng một nửa đất nước đã tiêm chủng đầy đủ.
Quy định tiêm chủng đối với nhân liên bang đánh dấu quyết tâm trong nỗ lực khuyến khích tiêm vaccine của Washington khi ca Covid-19 tăng trở lại. Đây là xu hướng ngày càng tăng trên toàn thế giới, mặc dù ở nhiều nước đang phát triển, nhu cầu vaccine vẫn vượt nguồn cung.
Indonesia bắt buộc tiêm vaccine Covid-19 từ tháng hai, khi Đông Nam Á đối mặt với làn sóng lây nhiễm mới. Chính phủ yêu cầu tất người đủ điều kiện phải tiêm chủng và những người từ chối có thể bị phạt tiền, đình chỉ hoặc trì hoãn các chương trình trợ cấp xã hội và dịch vụ của chính phủ. Chính quyền địa phương có quyền quyết định các hình phạt.
Indonesia, quốc gia lớn thứ tư thế giới, đã bắt đầu chiến dịch tiêm chủng vào giữa tháng một khi Tổng thống Joko Widodo trở thành người Indonesia đầu tiên tiêm vaccine Sinovac của Trung Quốc. Đến giữa tháng hai, khi lệnh bắt buộc được công bố, Indonesia đã triển khai hơn 1,7 triệu mũi tiêm trong dân số khoảng 276 triệu người.
Những người chỉ trích đã lên án quyết định là "cách tiếp cận nặng tay khiến người nghèo bị trừng phạt". Tổ chức Ân xá Quốc tế năm ngoái nói rằng các quốc gia "không được áp đặt lệnh bắt buộc tiêm vaccine" và họ "phản đối mạnh mẽ việc sử dụng luật hình sự" để trừng phạt những người từ chối tiêm chủng.
Hơn 5 tháng kể từ khi quy định bắt buộc được đưa ra, khoảng 19 triệu người, tức khoảng 7% dân số, đã được tiêm chủng đầy đủ. Không thể đánh giá được hiệu quả của lệnh bắt buộc khi Indonesia chỉ có đủ vaccine để tiêm chủng cho một phần nhỏ dân số. Khoảng 119 triệu liều vaccine Sinovac và AstraZeneca đã được bàn giao vào cuối tháng trước và Mỹ đã tặng 4,5 triệu liều vaccine Moderna vào tháng 7.
Biến thể Delta đã khiến ca nhiễm tăng mạnh ở Indonesia trong những tuần gần đây. Tổng cộng cả nước báo cáo khoảng 3,3 triệu ca nhiễm Covid-19 và hơn 90.000 ca tử vong.
Tại quốc gia Trung Á Turkmenistan, người từ 18 tuổi trở lên bắt buộc phải tiêm vaccine Covid-19, trừ khi nằm trong nhóm được khuyến cáo không nên tiêm.
Bộ Y tế Turkmenistan ra quy định vào đầu tháng khi ca nhiễm tại khu vực Trung Á tăng đột biến. Tuy nhiên, điều gây chú ý là Turkmenistan chưa báo cáo ca nhiễm hay ca tử vong do nCoV nào.
Turkmenistan liên tục bác bỏ rằng virus đang lây lan ở trong nước, dù họ đã áp đặt các hạn chế như đóng cửa nhà hàng, cấm đi lại bằng xe buýt và tàu giữa các khu vực trong nhiều tháng.
Turkmenistan đã mua vaccine từ Nga và Trung Quốc nhưng có rất ít dữ liệu về chương trình tiêm chủng. Bản cập nhật gần đây nhất của WHO cho thấy tính đến tháng 4, khoảng 42.000 liều đã được tiêm.
Với mong muốn thúc đẩy tỷ lệ tiêm chủng đang ở mức thấp, giới chức Nga đã giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp. Cuối tháng 6, thị trưởng Moskva yêu cầu các chủ lao động ngành dịch vụ và bán lẻ chủ chốt phải đảm bảo rằng ít nhất 60% nhân viên tiêm chủng đầy đủ trước giữa tháng 8. Hàng chục tỉnh sau đó ra quy định tương tự.
Moskva cũng áp đặt các biện pháp nghiêm ngặt, bao gồm đeo khẩu trang. Quy định đeo găng tay mới được dỡ bỏ hôm 30/7.
Chủ lao động không đáp ứng được mục tiêu tiêm chủng có thể đối mặt với những hình phạt nghiêm khắc và những người lao động từ chối tiêm vaccine đối mặt nguy cơ bị đình chỉ. Khi các quy tắc bắt đầu có hiệu lực, 11% người Nga đã tiêm chủng đầy đủ, mặc dù Nga tiêm vaccine miễn phí cho người dân và nguồn cung đã có sẵn trong nhiều tháng. Bây giờ, tỷ lệ đó là 16,4%.
Vài trăm người đã biểu tình chống lại lệnh tiêm vaccine bắt buộc hôm 26/7 ở Moskva. Một cuộc khảo sát của cơ quan nghiên cứu và việc làm Superjob có trụ sở tại Moskva được công bố vào ngày 21/7 cho thấy 55% người Nga phản đối quy định bắt buộc tiêm chủng.
Nhiều người vẫn e dè về vaccine. Một cuộc khảo sát khác trong tháng này cho thấy khoảng 1/3 người Nga không sẵn sàng tiêm vaccine trong bất kỳ trường hợp nào, trong khi 26% sẽ làm vậy nếu có nguy cơ bị đuổi việc.
Các nhà lập pháp Pháp tháng này thông một đạo luật gây tranh cãi, cho phép những người đã tiêm chủng có đặc quyền vào các nhà hàng, quán cà phê, đi lại giữa các thành phố và những nơi khác bắt đầu từ tháng 8. Nếu không tiêm vaccine, những người muốn vào những địa điểm đó phải xuất trình xét nghiệm âm tính gần đây hoặc bằng chứng miễn dịch nhờ bình phục sau khi nhiễm nCoV.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết mục tiêu của "giấy thông hành y tế" là tăng tỷ lệ tiêm chủng đã bắt đầu chững lại. Nhân viên y tế sẽ được yêu cầu tiêm chủng và có thể bị đình chỉ nếu họ chưa tiêm trước ngày 15/9.
Các biện pháp dường như có hiệu quả ngay lập tức. Sau khi Macron công bố hai tuần trước, hàng trăm nghìn người Pháp đã đặt lịch hẹn tiêm mũi đầu trong vòng vài giờ. Các nền tảng đặt hẹn tiêm cho biết đây là mức tăng kỷ lục.
Khoảng 60% dân số đã tiêm ít nhất một liều, dù Pháp từng được coi là một trong những quốc gia hoài nghi về vaccine nhất châu Âu. Một cuộc thăm dò gần đây cho thấy 76% người Pháp có cái nhìn tích cực về quy định bắt buộc nhân viên y tế tiêm vaccine.
Nhưng các động thái này cũng dẫn đến phản ứng dữ dội từ những người cho rằng chúng đi ngược lại các nguyên tắc cơ bản về tự do và bình đẳng của Pháp. Khoảng 160.000 người biểu tình phản đối ngày 24/7 và lãnh đạo cực hữu Marine Le Pen gọi kế hoạch là "cuộc tấn công vào quyền tự do và bình đẳng giữa các công dân".
Tháng này, Hy Lạp và Hungary cũng công bố kế hoạch yêu cầu nhân viên y tế phải tiêm chủng. Italy đã áp quy định tiêm vaccine bắt buộc đối với các nhân viên y tế, bao gồm cả dược sĩ, kể từ đầu tháng 4, sau khi nước này phát hiện ra các ổ dịch tại những bệnh viện nơi nhân viên từ chối tiêm vaccine.
Phương Vũ (Theo Washington Post)