Sáng 26 tháng Chạp, tôi có hẹn đi ăn sáng, uống cà phê với cô bạn thân nhất thời đại học. Dù chỉ có thời gian ngồi nói chuyện với nhau ba tiếng đồng hồ trước khi vội vã đi taxi ra sân bay Nội Bài để kịp giờ chuyến bay lúc 13h10 vào TP HCM công tác, nhưng câu chuyện bạn chia sẻ khiến tôi phải suy nghĩ khá nhiều về cách ứng xử của vợ chồng cũ sau ly hôn.
Bạn hiện sống và làm việc tại Trung Quốc, đã ly hôn tám năm nay. Tòa án chia chồng cũ của bạn nuôi con gái lớn, còn bạn nuôi con gái nhỏ. Sau ly hôn, bạn thuê một căn hộ chung cư ở gần nhà chồng cũ để hai con gái có thể thường xuyên gặp bố mẹ và chị em. Chồng cũ của bạn làm luật sư, bạn tôi làm kinh doanh, cả hai đều bận rộn nhưng cả hai đều có đặc điểm chung là rất quan tâm đến hai con. Mỗi khi ai phải đi công tác xa nhà liền nhờ người kia đón con về nhà mình chăm sóc.
Mấy năm đầu sau ly hôn, bạn tôi vẫn nuôi con gái nhỏ. Về sau, bạn tôi thành lập doanh nghiệp, công việc quá bận rộn nên cả hai đã thống nhất đưa hai con về nhà chồng cũ của bạn để tiện chăm sóc. Vào những ngày chồng cũ bận thì bạn tôi đến ở để chăm hai con như chưa hề ly hôn. Cả hai vẫn đối xử tốt với nhau, tôn trọng nhau, cùng chăm sóc các con, mỗi người đều có tự do riêng.
Tết năm nào bạn về Hà Nội đón Tết cùng bố mẹ cũng hẹn tôi đến nhà chơi nên tôi hiểu rất rõ hoàn cảnh gia đình bạn. Năm 2024, bạn đưa cả hai con gái về đón Tết cùng ông bà ngoại. Năm nay, bạn về Hà Nội một mình vì để hai con gái đón Tết ở Trung Quốc cùng ông bà nội và bố bọn trẻ.
Bạn kể, chồng cũ đưa cho bạn 10.000 Nhân dân tệ (tương đương 36.000.000 đồng) để tiêu Tết, gửi bạn tiền biếu bố mẹ đẻ của bạn mỗi người 1.000 Nhân dân tệ (tương đương 3.600.000 đồng một người) nhân dịp năm mới. Năm nào bạn dẫn cả hai con gái về Hà Nội đón Tết, chồng cũ sẽ chi tiền mua vé máy bay khứ hồi cho cả ba mẹ con, kèm theo tiền tiêu Tết.
Không chỉ có Tết, ở Trung Quốc, dù bạn tôi làm kinh doanh có thu nhập tốt, nhưng chồng cũ vẫn luôn chủ động chi tiền nuôi cả hai con gái ăn học tử tế. Mỗi khi ba mẹ con muốn đi du lịch, chồng cũ đều đưa tiền. Thi thoảng, cả nhà bốn người vẫn đi du lịch cùng nhau, cả hai vẫn cùng lo cho các con, chỉ là không quay lại với nhau, coi nhau là bạn mà thôi.
>> Xóm tôi 'lạm phát' bỏ vợ, bỏ chồng trước tuổi 35
Đến thời điểm hiện tại, bạn tôi và chồng cũ đều chưa ai tái hôn. Tôi hay trêu bạn rằng, tôi chưa bao giờ gặp được một người đàn ông nào có trách nhiệm với vợ cũ và con riêng được như chồng cũ của bạn. Xung quanh tôi có khá nhiều phụ nữ đã ly hôn, người nuôi một đứa con, người nuôi cả hai con, người vẫn ở vậy nuôi con, người đã tái hôn, người có cuộc sống hạnh phúc hơn, người tiếp tục ly hôn lần hai. Đúng là "mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh". Nhưng có một điểm chung, đó là nhiều đàn ông sau ly hôn không hề có trách nhiệm với con chung, không gửi một đồng nào cho vợ cũ nuôi con.
Mấy cô bạn gái thời cấp ba và đại học của tôi sau ly hôn kể rằng chồng cũ không có năng lực kiếm tiền, tiền lương đi làm chỉ đủ nuôi bản thân, nên không có tiền gửi nuôi hai con. Nhưng cũng có người thỏa thuận chồng cũ chu cấp nuôi mỗi con một triệu đồng (nghĩa là một tháng chỉ cần gửi cho vợ cũ hai triệu đồng nuôi hai con) nhưng họ cũng không gửi, bao nhiêu năm để bạn tôi tự xoay sở một mình.
Có bạn nuôi con chục năm nay mà chồng cũ chưa từng gửi tiền nuôi con lần nào, cũng không quay lại thăm con. Có bạn chồng cũ kết hôn luôn với người mới, sinh con mới, nên chỉ gửi chu cấp cho con của vợ cũ được mấy tháng rồi mất hút không nói một lời, không gửi một đồng nào. Thế nên, bạn phải lăn ra làm việc bốn, năm nơi một lúc để kiếm tiền nuôi con.
Thực tế, ở Việt Nam chưa có chế tài cụ thể để bảo vệ phụ nữ sau ly hôn, việc giám sát cũng chưa tốt. Rất nhiều người bạn của tôi sau ly hôn đều không nhận được một đồng nào chu cấp nuôi con từ chồng cũ, dù Quyết định ly hôn ghi rõ trách nhiệm của chồng cũ phải chu cấp nuôi con. Có người trước khi ly hôn, chồng cũ đồng ý chu cấp 40 triệu đồng một tháng cho hai con, nhưng thực tế chưa tháng nào đưa đủ số tiền đã ghi trong quyết định. Nếu không phải vợ cũ lăn ra làm đủ thứ việc nuôi con thì hai đứa con của họ đã phải nghỉ học vì không có tiền nộp học phí.
Ai cũng biết việc một người phụ nữ phải nuôi cả hai con ăn học ở Hà Nội là vô cùng tốn kém, vất vả. Dù cho những người phụ nữ đơn thân ấy vẫn bằng mọi cách kiếm tiền tự nuôi con không cần ai chu cấp nhưng trách nhiệm của người làm cha là phải tự giác gửi tiền nuôi con đẻ của mình, không những phải gửi tiền nuôi con mà vẫn phải đồng hành với vợ cũ để dạy con, chăm sóc con mới phải.
Nghĩ đến cách ứng xử của vợ chồng bạn ở Trung Quốc sau ly hôn khiến tôi thực sự ngưỡng mộ họ. Dù không còn là vợ chồng nhưng họ cư xử với nhau rất văn minh, có trách nhiệm với các con, luôn yêu thương các con, các con vẫn cảm nhận được tình yêu của cả bố lẫn mẹ.
Câu chuyện của gia đình họ khiến tôi nhận ra rằng ly hôn không phải là điều xấu. Quan trọng là hậu ly hôn bạn sống như thế nào, cách cư xử giữa hai người với con ra sao, đấy mới là điều cực kỳ quan trọng. Hãy cư xử sao cho các con không hề cảm thấy thiếu vắng tình thương của cha mẹ dù cha mẹ đã có cuộc sống riêng. Trong bối cảnh gia đình như vậy, những đứa con có cha mẹ ly hôn sẽ không thấy mặc cảm mình là những đứa trẻ bị bỏ rơi, không bị ám ảnh bởi cuộc sống gia đình tan vỡ...
Mặc dù không cổ súy cho việc làm bố, mẹ đơn thân, bởi không gì quý hơn là một gia đình trọn vẹn, đủ đầy. Tuy nhiên, nếu sự "nguyên vẹn" ấy không mang lại tình thương yêu và tiếng cười, thì chi bằng hãy tự tìm kiếm hạnh phúc sau đổ vỡ, cùng nhau làm bạn, cùng nhau có trách nhiệm chăm sóc và nuôi dạy các con.
Ly hôn là chuyện của người lớn nhưng chính con cái mới là người chịu khổ nhiều nhất. Chỉ xin rằng hậu ly hôn, các bậc làm cha, làm mẹ hãy đối xử như thế nào cho có trách nhiệm, đừng bỏ rơi con đẻ của mình "sống chết mặc bay" với người cũ.
- Ly dị hay chịu đựng cuộc hôn nhân nguội lạnh?
- Ly hôn vì mình hay nhẫn nhịn vì con?
- Bản lĩnh ly hôn vì con
- Ly hôn có phải ích kỷ với con cái?
- Vỡ nợ 2,1 tỷ đồng, chị tôi vẫn quyết không bỏ chồng nghiện cờ bạc
- Cả nhà nói tôi quá đáng vì ép em gái ly hôn chồng nghiện cờ bạc