Trả lời:
Ánh nắng là một trong những tác nhân gây lão hóa da. Do đó, sử dụng kem chống nắng giúp chống lại tác động của ánh nắng lên da là rất quan trọng.
Theo lý thuyết, độ SPF càng cao, thời gian bảo vệ càng lâu. Tuy nhiên điều này chỉ để ước tính cơ bản nhất, thời gian bảo vệ còn phụ thuộc loại da, cường độ ánh sáng mặt trời, lượng kem sử dụng vậy nên nó ít có ý nghĩa để giúp bạn xác định thời gian tiếp xúc ánh sáng.
Trong hướng dẫn sử dụng kem chống nắng đúng chuẩn thì kem chống nắng phải được dùng liên tục trong thời gian từ khi nhìn thấy ánh sáng ban ngày, chứ chưa cần là ánh nắng mặt trời. Bởi lẽ, ánh sáng cũng đã có thể khiến bạn bị ảnh hưởng từ các tia UVA, tác động lên da cho đến cuối ngày khi trời tối.
Khi ra ngoài trời, tiếp xúc ánh nắng cường độ cao, nên chọn chỉ số SPF cao. Ví dụ, đi biển mùa hè dùng kem chống nắng chỉ số SPF 50+ , làm việc trong môi trường không bị nắng chiếu trực tiếp cần SPF thấp hơn.
Chỉ số SPF và thời gian đỏ da tối thiểu cho phép, giúp bạn ước lượng thời gian da được bảo vệ bởi kem chống nắng. Ví dụ, bạn đứng ngoài trời 10 phút thì xuất hiện đỏ da, tức thời gian đỏ da tối thiểu 10 phút. Dùng kem chống nắng chỉ số SPF 30+, thời gian da được kem chống nắng bảo vệ tính theo công thức: 10 × 30 là 300 phút (tương đương 5 giờ).
Với chỉ số SPF 50+, thời gian da được kem chống nắng bảo vệ tính theo công thức 10 x 50 là 500 phút (tương đương khoảng 8 giờ).
Như vậy, chỉ số chống nắng càng cao thì thời gian da được bảo vệ càng lâu. Tuy nhiên, không có chỉ số chống nắng nào có thể bảo vệ da 100%. Do vậy, bạn cần che chắn vùng da được bôi kem chống nắng. Ngoài ra, kem chống nắng tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng cũng dễ bị biến đổi làm giảm tác dụng.
Bác sĩ Trịnh Minh Trang
Khoa Laser và Săn sóc da, Bệnh viện Da liễu Trung ương