Trả lời:
Bôi kem chống nắng kết hợp các sản phẩm khác như dưỡng da, dưỡng ẩm, kem nền... không đúng quy trình sẽ giảm tác dụng.
Hai tác dụng của kem chống nắng là chống nắng cơ chế vật lý, giống như một lớp vật liệu che phủ da; và cơ chế hóa học, tức tạo ra tương tác hóa học để thay đổi sự hấp thu, chuyển hóa các tia bức xạ đến da. Bôi kem chống nắng ngay sau khi dùng các sản phẩm chăm sóc da khác sẽ làm loãng kem hoặc thay đổi tính chất vật lý, hóa học, do đó giảm tác dụng.
Cách tốt nhất là nên bôi trực tiếp kem chống nắng lên da mặt. Nếu trước đó bôi dưỡng ẩm, phải để kem dưỡng ẩm có thời gian hấp thu vào trong da mới bôi kem chống nắng lên. Thông thường thời gian bôi các sản phẩm dưỡng da cách nhau ít nhất 15 -20 phút.
Để đạt hiệu quả tốt nhất, kem chống nắng cần được sử dụng hàng ngày, đặc biệt vào mùa hè, để ngăn tác hại của ánh nắng lên da. Ánh nắng là một trong những tác nhân gây lão hóa da, làm tổn thương tế bào trên các lớp da, gây khô da, tăng sắc tố, bỏng da, làm hư hại lớp đệm là sợi collagen. Tia tử ngoại UV có thể làm tổn thương ADN, dần dần sinh ung thư da.
Thông thường, mỗi ngày bôi kem chống nắng ít nhất hai lần, nếu được thì 3-4 lần. Số lần thoa nhiều hay ít có thể linh hoạt theo tình huống, tuy nhiên đảm bảo trên mặt luôn có một lớp kem chống nắng.
Đặc biệt lưu ý người dùng cần chú trọng vào khâu tẩy trang sau khi dùng kem. Trong kem chống nắng có thành phần oxit kim loại ăn sâu vào lỗ chân lông. Nếu không được làm sạch, chúng sẽ gây bít tắc lỗ chân lông, hình thành mụn trứng cá. Bởi vậy, cần coi kem chống nắng như kem trang điểm, tẩy trang thật kỹ trước khi rửa mặt.
Nên lựa chọn kem chống nắng phù hợp với làn da bản thân, ví dụ kem chống nắng cho da mụn, kem chống nắng cho da nhạy cảm, kem chống nắng cho da khô...
Bác sĩ Trịnh Minh Trang
Khoa Laser và Săn sóc da, Bệnh viện Da liễu Trung ương