(Bài viết Ý Kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Quê tôi nhiều đứa trẻ chơi game khiến học hành sa sút. Hai đứa cháu tôi chơi game khá nhiều, học lực chỉ dạng trung bình (suýt lưu ban). Em trai tôi cũng chơi game từ những năm cấp ba, từ học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp huyện thành học sinh khá. Em rể tôi thì chơi game đến mức vay nặng lãi xã hội đen, nợ 150 triệu đồng và đốt bao nhiêu tiền lương vào game.
Tôi ngày xưa chơi game cũng thuộc dạng sành và điêu luyện, có thể trực tiếp đối kháng với máy bằng các chiêu trò biểu diễn hay và đẹp mắt, chứ không thích thắng mãi một kiểu. Thậm chí, tôi còn liệt vào dạng bị "danh sách đen" của bà chủ quán game vì bấm nhiều quá, nhanh quá, có nguy cơ hư tay cầm, hư máy chơi game của bà.
Tôi chơi đủ loại game (trò chơi điện tử bốn nút bấm, rồi các trò như cờ tướng online...), cuối cùng nhận ra rằng chỉ là tôi đang trốn tránh thực tại. Những lúc không hài lòng, không vừa ý với công việc, học tập, cuộc sống, tôi lại tìm đến game. Tôi cũng không hề nghiện, chỉ chơi hai tiếng mỗi ngày thôi nhưng cũng chẳng thấy học hành giỏi giang gì. Trước đó, khi chưa chơi game tôi nằm trong đội học sinh giỏi cấp tỉnh.
Tôi nghĩ một số người thuộc giới doanh nhân chơi game là do rảnh quá nên họ cố tình duy trì mối quan hệ với khách hàng, đối tác, từ đó tập tành chơi game. Bạn bè tôi thời đại học, những ai chơi game đều học hành rất bình thường, trong khi tôi và bạn thân không chơi game lại học rất giỏi. Lớp đại học, đứa nào không chơi game đều rất giỏi, còn mấy đứa chơi game khá lận đận.
>> Tôi chơi game không 'nghiện'
Con người chúng ta nên tính tới tính hiệu quả không nên chỉ nhìn vào sự thông minh. Thông minh mà không hiệu quả, không có kết quả trong công việc thì ai ghi nhận? Chơi game không biết có thông minh hơn không nhưng chắc chắn là mất thời gian trước tiên. Mà thời gian là yếu tố giúp xác định kết quả. Muốn luyện trí thông minh cách tốt nhất chính là học lập trình.
Việc nghe nhạc không giống chơi game vì đã có nghiên cứu khoa học rõ ràng trước đó người ta từng chứng minh việc nghe nhạc giao hưởng, cổ điển... sẽ tạo ra sự tập trung cho não bộ và kích thích trí tưởng tượng. Và tôi cũng không thấy ai nghe nhạc mấy tiếng đồng hồ hay cả ngày cả. Người thành công là kẻ có khả năng trì hoãn các ham muốn cá nhân bình thường để tập trung vào mục tiêu, biết giải quyết và chấp nhận các xung đột trong cuộc sống mà không bị phân tâm đến công việc, mục tiêu đang kiên trì.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.