(Bài viết Ý Kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Chơi game giải trí. Mỗi game luôn có nhiệm vụ từ dễ đến khó. Có nhiệm vụ bạn dễ dàng vượt qua, có nhiệm vụ bạn phải suy nghĩ "nát óc" mới nghĩ ra được cách giải. Đó là chưa nói nhiệm vụ lồng trong nhiệm vụ. Bất chấp thủ đoạn để vượt qua nhiệm vụ đầu rồi thua ở nhiệm vụ sau là bình thường. Tóm lại, nhà phát hành game là người đánh đố và người chơi game là người giải đố.
Với các game hành động, người ta tạo ra những con trùm ngày càng khó diệt. Việc của bạn là theo dõi nó có hành vi lặp đi lặp lại gì, đúc kết thành quy luật rồi tìm cách ứng phó. Việc "chết" không biết bao nhiêu lần mới diệt được con boss đó, khiến bạn cảm thấy rất vui vì mình đã thành công. Với các game chiến thuật, người ta cho bạn một lượng tài nguyên nhất định và một hoặc nhiều "đối thủ cạnh tranh", việc của bạn là làm sao phát triển "công ty" lên, vượt qua các đối thủ cạnh tranh đó. Với game phiêu lưu mạo hiểm tìm đường đi, có rất nhiều bẫy, bạn phải tìm được đúng đường và vượt qua các bẫy đó.
Nếu bạn tự vắt óc nghĩ ra cách giải quyết vấn đề trong game mà không lên mạng xem hướng dẫn để bắt chước thì bạn là người thông minh và chịu khó suy nghĩ. Những người này ở đâu cũng vượt trội hơn người khác. Chơi game cũng là rèn luyện chính mình, rèn luyện trí óc – tính kiên nhẫn, cẩn thận, dám nghĩ, dám làm.
Nhưng bạn sẽ mất tất cả nếu nghiện game. Cân phân định rõ game là game, đời là đời. Người ta nghiện game, tuyệt đại đa số là game online, game có nhiều người chơi tương tác với nhau. Lấy vợ, xây nhà cửa, mua sắm thời trang, thách đấu nhau, thách đấu bang hội... thứ gì cũng có. Trong cái tập thể đông người chơi này, người ta có gì bạn phải có giống như thế nếu không muốn bị xem là "lạc loài". Từ đó sinh ra sự bon chen, ganh đua. Người ta chơi ba tiếng thì bạn phải cày năm tiếng. Người ta chơi năm tiếng thì mình phải cày tám tiếng. Không muốn cày mà vẫn "có" như người ta chỉ có nạp tiền. Nghiện chính là ở chỗ đó.
>> Bảy câu hỏi để biết bạn nghiện game hay không
Tôi chơi game offline, chẳng bao giờ nghiện game. Chơi hết một game lại lên diễn đàn xem mọi người có bàn tán game nào đình đám thì mua về chơi. Kinh tế phát triển, game có bản quyền cũng chỉ có giá khoảng 1,5 triệu đồng, mua về rảnh lúc nào thì chơi lúc đó. Chơi hết một game ít nhất cũng phải mất ba tháng mới gọi là tương đối quen thuộc, còn chơi giỏi thì phải mất cả năm.
Vậy chơi game được gì? Điều đó cũng giống như bạn hỏi nghe nhạc, xem phim được gì? Đơn giản đó là hình thức giải trí. Không chơi game hay tham gia bất kỳ loại hình giải trí nào, cuộc sống của bạn có phải là khô khan, vô vị, tẻ nhạt không? Học để kiếm tiền, kiếm tiền để làm giàu, để vui chơi, giải trí... tóm lại để thỏa mãn nhu cầu nào đó của bạn. Với một số người, làm giàu cũng là một loại giải trí vì tài sản của họ thừa đủ để ăn 10 đời không hết. Với người khác thì có nhu cầu khác. Nhu cầu của con người là vô cùng phong phú. Nhu cầu xài tiền luôn nhiều gấp bội so với nhu cầu kiếm tiền. Xã hội chẳng ai xài tiền thì kinh tế làm sao phát triển?
Con người không phải là robot. Bởi vậy mà, người ta muốn xây nhà hát nhạc vũ kịch, lắm người phản đối vì họ "không biết xem". Vì cuộc sống của họ chỉ có ăn, ngủ, đi làm, nghỉ ngơi tại chỗ. Họ tự biến mình thành robot. Mỗi ngày, đúng giờ đó phải làm đúng việc đó. Rồi họ xem người khác chơi hay giải trí gì đó, lại không hiểu được vì sao người ta lại thích chơi những thứ vô bổ, tốn kém đó. Ngược lại, chúng tôi cũng không hiểu được những người mà cả đời có thời gian biểu không đổi, họ không biết chán sao? Ngày hôm nay không khác gì ngày hôm qua, sống như vậy có ý nghĩa gì?
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.
Lâm