Vaccine này được Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo tiêm chủng cho trẻ em, nhiều nước đã sử dụng.
"Đây là vaccine đảm bảo an toàn cho trẻ em", Bộ trưởng Long cho biết tại cuộc họp với các đơn vị liên quan về công tác tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em, ngày 26/10.
Bộ trưởng Long yêu cầu các đơn vị, địa phương chuẩn bị triển khai tiêm chủng vaccine cho trẻ em theo độ tuổi đã hướng dẫn, đảm bảo an toàn, khoa học, hiệu quả. Theo đó, chiến dịch tiêm sẽ được thực hiện trước với trẻ ở độ tuổi 16-17, sau đó hạ thấp dần độ tuổi. Cha mẹ, người giám hộ cần ký phiếu đồng ý tiêm chủng cho trẻ.
Trẻ được khám sàng lọc trước tiêm theo hướng dẫn của Bộ Y tế và chỉ định tiêm theo hướng dẫn của nhà sản xuất; theo dõi, chăm sóc sau khi tiêm.
Chiến dịch tiêm cho trẻ em được triển khai tương tự như chiến dịch tiêm chủng cho người lớn trong thời gian qua, với các điểm tiêm tại trạm y tế xã/phường, các trường học, các trung tâm y tế và các bệnh viện (đối với một số trẻ có bệnh nền, béo phì). Chiến dịch tiến hành trước tại các địa phương đã trải qua đợt giãn cách xã hội, tỷ lệ lây nhiễm nCoV cao; vùng có mật độ dân số đông, nguy cơ lây nhiễm cao.
Đối với trẻ em ở độ tuổi nhỏ hơn, Bộ Y tế đã lên kế hoạch triển khai tiêm chủng trong năm 2022 trên cơ sở khoa học và cập nhật các loại vaccine cho trẻ em.
Bộ trưởng Long khẳng định yêu cầu hàng đầu trong tổ chức tiêm chủng cho trẻ em là đảm bảo an toàn. "Bộ Y tế yêu cầu các Sở Y tế tăng cường theo dõi phản ứng sau tiêm để kịp thời hỗ trợ xử lý", Bộ trưởng nói.
Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương tổ chức tập huấn chuyên môn cho tất cả tỉnh, thành phố về tiêm chủng cho trẻ em trong ngày 29/10; hỗ trợ tổ chức triển khai tiêm chủng.
Hôm 14/10, Bộ Y tế cho phép tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ 12-17 tuổi, theo nguyên tắc ưu tiên lớn đến nhỏ, lộ trình tiêm trẻ 16-17 trước, sau đó hạ dần độ tuổi, theo tình hình địa phương và nguồn cung vaccine. Tuy nhiên, khi ấy Bộ Y tế không hướng dẫn rõ loại vaccine được tiêm, triển khai tiêm như thế nào... khiến các địa phương không thể tổ chức tiêm chủng cho trẻ. Trước nhu cầu cấp bách tiêm cho học sinh để chuẩn bị đến trường, ước tính khoảng 780.000 trẻ, TP HCM nhiều lần đề xuất các thời điểm tiêm cho trẻ, từ 22/10, đến 26/10, rồi 27/10; đề nghị được sử dụng vaccine Pfizer để tiêm cho trẻ em...
Vaccine Pfizer đã được khoảng 30 nước trên thế giới tiêm cho trẻ em 12-17 tuổi, hiệu quả ngăn ngừa hơn 90% triệu chứng Covid-19. Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) hôm 23/10 công nhận vaccine Pfizer đáp ứng tiêu chuẩn cho trẻ 5-11 tuổi, có thể cấp phép khẩn cấp sử dụng cho lứa tuổi này trong thời gian tới. Ngoài các phản ứng thông thường sau tiêm như xảy ra ở người lớn, gồm sốt, đau mỏi cơ, đau vết tiêm... triệu chứng hiếm gặp được ghi nhận ở trẻ sau tiêm là viêm cơ tim, song hầu hết đều nhẹ và hồi phục nhanh.
Song song với việc tổ chức tiêm chủng cho trẻ em, các địa phương cũng đẩy nhanh tiêm vaccine mũi 1 và bao phủ vaccine cho người từ 65 tuổi và từ 50 tuổi, bảo vệ trước nguy cơ dịch bệnh, đồng thời giảm nguy cơ tử vong.