Quyết định thành lập 5 tổ công tác này vừa được Thủ tướng Phạm Minh Chính ký ngày 14/3. Các Phó thủ tướng Lê Minh Khái, Trần Hồng Hà, Trần Lưu Quang và Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng làm Tổ trưởng của 5 tổ này.
Theo kế hoạch, 5 tổ công tác sẽ kiểm tra, tháo gỡ vướng mắc trong giải ngân đầu tư công năm nay tại các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức trung bình cả nước.
Các tổ công tác sẽ phân tích nguyên nhân những vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án đầu tư công, nhất là dự án sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài tại các đơn vị.
Quá trình kiểm tra, các tổ này sẽ đánh giá việc lập, phân bổ, giao kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách Nhà nước năm 2023. Các tổ cũng xem xét trách nhiệm trong lãnh đạo, xử lý khó khăn, điểm nghẽn khi giải ngân đầu tư công tại từng bộ, cơ quan, địa phương, trong đó có trách nhiệm người đứng đầu. Từ đó, tổ công tác kiến nghị và báo cáo Thủ tướng các giải pháp nhằm đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công.
Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, tỷ lệ giải ngân vốn công đạt hơn 6,5% kế hoạch vốn giao trong 2 tháng đầu năm, tương đương hơn 49.247 tỷ đồng. Mức này thấp hơn cùng kỳ trên 2% và kế hoạch Thủ tướng giao 0,4%.
Các địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 10% là Điện Biên (23,44%), Tiền Giang (21,04%), Lâm Đồng (20,31%).
Trên 90% bộ, cơ quan trung ương và 30% địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 5%, trong đó 44 bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân kế hoạch vốn. Cùng đó, 26 bộ, cơ quan trung ương và 50 địa phương chưa phân bổ hết vốn đầu tư công năm nay.
Năm nay tổng vốn đầu tư công được giao hơn 711.000 tỷ đồng. Thủ tướng yêu cầu giải ngân ít nhất 95% số này, tức hơn 676.000 tỷ đồng.