Sáng 21/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 và chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Thủ tướng nhìn nhận, thúc đẩy đầu tư công là "nguồn lực, động lực phát triển" trong bối cảnh thế giới khó đoán định, Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế chuyển đổi, nội tại nhiều khó khăn.
Năm nay, kế hoạch vốn ngân sách được Quốc hội giao gần 711.700 tỷ đồng, tăng hơn 130.000 tỷ so với 2022 và 250.000 tỷ đồng so với 2021. Thủ tướng nêu mục tiêu giải ngân ít nhất 95% kế hoạch vốn, tức hơn 676.000 tỷ đồng.
Hiện hơn 707.044 tỷ đồng kế hoạch vốn đã được phân giao, bằng toàn bộ số vốn được Quốc hội phân bổ chi tiết cho từng bộ, cơ quan trung ương, địa phương.
Đến 17/2, số vốn các bộ, ngành và địa phương được phân bổ, giao kế hoạch chi tiết danh mục dự án trên 595.616 tỷ đồng. Còn lại hơn 117.313 tỷ đồng vốn ngân sách chưa được phân bổ chi tiết.
Năm nay cũng là năm phải giải ngân toàn bộ số vốn thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.
"Khối lượng vốn lớn, yêu cầu cao hơn, nếu không có giải pháp phù hợp từ ngày đầu, tháng đầu thì giải ngân sẽ chậm. Dự án đầu tư kéo dài gây lãng phí, đội vốn, ảnh hưởng tới nguồn lực và động lực phát triển", Thủ tướng nói.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, năm nay thuận lợi hơn so với hai năm trước do hầu hết dự án lớn đầu tư công đã hoàn thiện thủ tục, giao đủ vốn trong kế hoạch trung hạn 2021 - 2025.
Nhưng tình hình cũng khó khăn hơn khi khối lượng công việc nhiều, quy mô vốn công tăng khoảng 23% (tương đương 130.000 tỷ đồng) so với kế hoạch 2022 và 250.000 tỷ đồng so với 2021. Các yếu tố như giá nguyên, nhiên vật liệu biến động khó lường, ảnh hưởng trực tiếp đến đầu tư xây dựng, thi công của các nhà thầu.
Ngoài gỡ vướng giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư dự án, Bộ Kế hoạch & Đầu tư đề nghị đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương để thúc giải ngân vốn công.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đồng tình và nêu thực tế, hiện một dự án "thông đầu này thì bị chặn ở các đầu khác" như nghẽn về đất đai, môi trường, trong khi chậm 1-2 tháng thì không thể thực hiện đồng thời được.
"Mong Thủ tướng cho rà soát lại, phân cấp, ủy quyền mạnh về việc này để giảm tình trạng phải ngồi đôn đốc nhau như thế này", lãnh đạo Hà Nội đề nghị.
Đến hết tháng 1, Hà Nội giải ngân được hơn 45.000 tỷ đồng, đạt gần 88% kế hoạch vốn công năm 2022 và theo ông Thanh đánh giá là "nỗ lực rất lớn". Với số vốn được giao năm nay, đến cuối tháng 2, thành phố giải ngân hơn 3.600 tỷ đồng, khoảng 5,5%.
Ông Thanh cũng chỉ ra, hiện nhiều địa phương đang vướng quy định tại Luật Đầu tư công, là phải có đủ vốn mới được xây dựng kế hoạch đầu tư. Vì vậy, ông kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo, gỡ vướng nội dung này.
TP HCM - đầu tàu kinh tế phía Nam - năm nay được giao hơn 70.000 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi năm ngoái. Trong đó 16.500 tỷ đồng vốn của Trung ương, còn lại phần lớn là vốn của địa phương.
Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi thông tin, thành phố đã phân bổ hết số vốn cho các các dự án dùng ngân sách trung ương, còn một số hồ sơ dự án dùng vốn địa phương chưa hoàn thiện, khoảng 26.000 tỷ đồng, nên đến cuối tháng 3 mới phân bổ xong.
Ông Mãi cho biết thành phố sẽ khắc phục những hạn chế trong năm 2022 để đảm bảo tiến độ giải ngân năm nay. Cụ thể, TP HCM sẽ đẩy nhanh hoàn thiện hồ sơ thủ tục dự án, phân bổ vốn; giải phóng mặt bằng, nâng chất lượng phối hợp giữa các cơ quan, giám sát tiến độ chủ đầu tư.
"Thành phố sẽ đẩy nhanh giải phóng mặt bằng, đảm bảo cho các dự án có mặt bằg sạch trong nửa đầu năm nay", ông Mãi nói.
Chẳng hạn, với dự án đường Vành đai 3, Chủ tịch TP HCM cho hay, đến 15/6 sẽ bàn giao 80% mặt bằng dự án cho nhà đầu tư để kịp khởi công trong tháng 6. Mặt bằng sạch toàn bộ dự án này sẽ được thành phố bàn giao cho nhà đầu tư vào tháng 11 tới.
Chủ tịch TP HCM kỳ vọng, dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017 về một số cơ chế đặc thù cho TP HCM được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp tháng 5 tới, sẽ tác động lớn đến thúc đẩy vốn công, thu hút vốn đầu tư xã hội khác.
Trước sức ép phải giải ngân khối lượng vốn lớn, Thủ tướng giao các cấp ngành, địa phương rà soát, chọn đúng nút thắt để xử lý nhanh, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp trên giải quyết.
"Chúng ta dành dụm để có nguồn vốn thì đầu tư phải hiệu quả, chống tiêu cực, lãng phí, tránh đầu tư xong lại triệt tiêu nguồn lực, phải đi kiểm điểm, xử lý", Thủ tướng nói.
Ông lưu ý, kế hoạch giải ngân phải được lập chi tiết từng dự án và tuân thủ kế hoạch theo từng tháng, quý. Người đứng đầu bộ, cơ quan, lãnh đạo địa phương phải trực tiếp chỉ đạo kiểm tra, tháo gỡ khó khăn, chịu trách nhiệm về giải ngân từng dự án. Đây sẽ là căn cứ đánh giá mức độ hoàn thành công việc được giao năm nay.
Về nguyên vật liệu cho các dự án, Thủ tướng yêu cầu giao trực tiếp mỏ vật liệu xây dựng thông thường cho ban quản lý dự án, chủ đầu tư, nhà thầu thi công. "Không để xảy ra 'giao không đúng đối tượng, mua đi bán lại'", ông nhắc nhở.
Lãnh đạo Chính phủ giao Bộ Kế hoạch & Đầu tư cùng các cơ quan liên quan tiếp thu, hoàn thiện để sớm ban hành chỉ thị về đôn đốc, giải ngân đầu tư công.